WB muốn mua thêm 1 triệu tấn carbon của Việt Nam với giá 5 USD/tấn Thương mại tín chỉ carbon: Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng |
Lợi ích từ tín chỉ carbon
Như đã biết, giai đoạn 2018-2024, tại Việt Nam có 6 địa phương tham gia Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) mà đại diện là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo thỏa thuận trên, trong năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2tđ cho WB với tổng số tiền nhận về là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỷ đồng.
Bộ NN&PTNT cũng đã ký "Ý định thư về mua bán giảm phát thải" với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) cho 11 tỉnh vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ. Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Emergent khoảng 5,15 triệu tấn CO2tđ với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD) cho giai đoạn 2022 - 2026.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn tạo tín chỉ carbon từ hơn 14 triệu ha rừng cũng như diện tích lúa lớn ở 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Ước tính có thể chuyển nhượng 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế. Với giá một tín chỉ carbon khoảng 5 – 10 USD, chúng ta có thể thu về hàng trăm triệu USD/năm.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, lợi ích kinh tế từ chuyển nhượng tín chỉ carbon sẽ khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển, bảo tồn rừng và các loại cây trồng xanh. Điều này cũng sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường… góp phần vào lộ trình đưa phát thải ròng của Việt Nam về bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Đôi điều suy ngẫm
Tín chỉ carbon là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương 1 tấn CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. Đây là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải 1 tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.
Tín chỉ carbon hay định mức carbon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra 1 lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2).
Việc mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon có thể hiểu đơn giản , mỗi doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì cơ sở đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác.
Thống kê của một số tổ chức nghiên cứu cho thấy, trung bình một người Việt Nam - 2,3 tấn CO2/năm. Còn theo ngân hàng thế giới, năm 2022, Việt Nam phát thải 344 triệu tấn CO2/năm, xếp thứ 17 trên toàn cầu, trong đó ngành năng lượng chiếm đến 63,3% lượng phát thải này.
Cũng tại Việt Nam, có khoảng 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải. Như vậy nếu các doanh nghiệp sử dụng quá hạn ngạch thì phải mua tín chỉ carbon. Dù chưa có thống kê chi tiết song số tiền mà doanh nghiệp bỏ ra cũng không hề nhỏ vì nhu cầu ngày càng gia tăng theo các cam kết quốc tế cũng như các yêu cầu khắt khe về sản phẩm hàng hoá…. Đơn cử như hàng rào thuế carbon do Liên minh châu Âu sẽ chính thức áp dụng từ năm 2026
Trên thực tế, nhiều nước đã áp dụng kiểm soát. Dẫn chứng về điều này, ông Vũ Huy Hùng – Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - cho biết, ngày 10/5/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon tại EU (CBAM) của Ủy ban châu Âu chính thức có hiệu lực bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, trong giai đoạn chuyển tiếp từ 1/10/2023 đến 31/12/2025, các nhà nhập khẩu có nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 33, 34 và 35 của Quy định (EU) 2023/956. Doanh nghiệp sẽ phải báo cáo vào cuối mỗi quý phát thải được ghi trong hàng hóa CBAM, dành thời gian cho việc hoàn thiện hệ thống. Bắt đầu từ năm 2026 EU sẽ tính giá carbon đối với tất cả hàng nhập khẩu.
EU sẽ thí điểm CBAM trong giai đoạn 2023 - 2025 với 5 loại mặt hàng: sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, năng lượng điện. Thời gian thí điểm, các nhà nhập khẩu chưa cần trả phí mà phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ. Bắt đầu từ 2026, thị trường này sẽ chính thức vận hành và ai đứng ngoài cuộc sẽ bị văng ra khỏi luật chơi.
Đối với Hoa Kỳ cũng đã ban hành cơ chế áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu năng lượng và công nghiệp từ đầu năm 2024.
Như vậy, ở góc độ thị trường, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý cũng cần tính toán số lượng chuyển nhượng từng giai đoạn cụ thể để khi hình thành thị trường tín chỉ carbon (sẽ có các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia thương mại), các doanh nghiệp Việt Nam không phải mua tín chỉ với giá cao từ các tổ chức thương mại quốc tế.
Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn và hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon theo Điều 139 của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Về lộ trình, dự kiến chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 2023-2024: thiết lập cơ sở pháp lý ban đầu để xây dựng đề án; Giai đoạn 2025-2027: thời gian giao dịch thí điểm trên thị trường carbon; Đến năm 2028, vận hành chính thức thị trường carbon và kết nối với các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong khu vực và trên thế giới. |