Việt Nam hiện là nguồn cung tôm lớn nhất cho Australia |
Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia cho hay, Australia là quốc gia có diện tích khai thác hải sản lớn thứ ba trên thế giới với bờ biển dài gần 60.000km, diện tích 14 triệu km2. Australia có khoảng 3.000 loài cá nhưng chỉ có 10% được đánh bắt thương mại. Ngành hải sản Australia đạt giá trị khoảng 2 tỷ AUD/năm với khoảng 11.600 công nhân (7.300 trực tiếp và 4.300 gián tiếp).
Hàng năm Australia tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn hải sản. Tuy nhiên, sản xuất trong nước của Australia mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, phải nhập khẩu 70% từ nước ngoài, gồm các loại như cá hộp, phi lê cá, tôm, mực, bạch tuộc… Xu hướng nhập khẩu ngày càng tăng theo quy mô dân số và thị hiếu tiêu dùng hải sản.
Với dân số trên 24 triệu người (dự kiến tăng lên 40 triệu người vào năm 2050) và là một trong những nước có tiêu chuẩn sống cao nhất trên thế giới với mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tăng từ 10 kg/năm 2000-2001 lên khoảng 15 kg/năm 2012-2013. Tuy nhiên, mức tiêu thụ bình quân này vẫn còn thiếu 40% so với khuyến cáo của các tổ chức về sức khoẻ của nước này. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của Australia sẽ còn tăng hơn nữa và là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam là nhà cung cấp thuỷ sản lớn thứ tư của Australia sau Thái Lan, New Zealand và Trung Quốc nhưng chỉ chiếm khoảng 11% thị phần. Riêng với mặt hàng tôm, Việt Nam là nguồn cung lớn nhất cho Australia với kim ngạch chiếm khoảng trên 35% thị phần.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng khuyến cáo, Australia là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng của Việt Nam. Vấn đề hiện nay là các quy định nghiêm ngặt của Australia về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Hàng thuỷ sản của Việt Nam vẫn còn vài trường hợp dư lượng kháng sinh và dư lượng thuốc diệt nấm bị phát hiện và điều này ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam nếu không loại trừ triệt để. Do đó, báo cáo nghiên cứu “Thị trường thuỷ sản của Australia và các giải pháp xúc tiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường này” được kỳ vọng sẽ là văn bản chính thống mang lại những thông tin hữu ích nhất cho doanh nghiệp.