Đó là thông tin được ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết tại Hội thảo Hợp tác Thương mại gạo Việt Nam- Trung Quốc, tổ chức sáng ngày 8/5 tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Cục Xuất nhập khẩu,Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Lương thực Trung Quốc, 16 DN và 5 Hợp tác xã của An Giang, 19 DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo đến từ Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang đã tham dự hội thảo.
Theo Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương, những năm gần đây, nhiều nước nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo. Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo, gần đây Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành 3 chính sách lớn gồm chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị định quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo… giúp DN và nông dân thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - đánh giá: sau đột biến về giá lương thực năm 2008, xuất khẩu gạo của Việt Nam về cơ bản ổn định, riêng chỉ có năm 2016 là năm xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi lượng xuất khẩu chỉ đạt 4,84 triệu tấn và trị giá đạt 2,17 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo năm 2018 đã đạt 6,115 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2017, trị giá đạt khoảng 3,06 tỷ USD, tăng 16,3%. Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức cao, có lợi cho người nông dân sản xuất lúa. Xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2019, theo số liệu liên Bộ, ước đạt 2,03 triệu tấn, trị giá đạt 866 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại trên hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc mặc dù có ghi nhận sự sụt giảm trong thời gian gần đây, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất. Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại (như gạo hạt dài, gạo thơm, jasmine, japonica, nếp…), giá trị, chất lượng với các thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản… Năm 2018, Hải quan Trung Quốc thống kê, tổng kim ngạch gạo nhập khẩu của Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt 740 triệu USD, chiếm tỷ trọng 45% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc.
Ông Phan Lợi - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang hy vọng gạo đặc sản của An Giang sẽ tăng sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới |
Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, hàng hóa của An Giang xuất qua Trung Quốc chủ yếu là gạo, cá, rau củ qủa và ngày càng nhiều. An Giang xuất khẩu trên 400.000 tấn gạo/năm, thu về khoảng 220 triệu USD và xuất khẩu trên 63 quốc gia. Trong giai đoạn từ năm 2015-2018, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng theo từng năm, đạt tổng giá trị xuất khẩu cả giai đoạn là 349 triệu USD, trong đó mặt hàng lương thực chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu.
“Buổi hội thảo này là dịp để các DN An Giang và các tỉnh miền Tây Nam bộ giới thiệu, quảng bá trực tiếp sản phẩm đến các DN Trung Quốc, hiểu thêm về quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm lương thực để tiến tới hợp tác mở rộng xuất khẩu theo hướng bền vững vào thị trường Trung Quốc”, ông Lợi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc Kinh doanh lương thực của Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, gạo An Giang sản xuất theo quy trình khép kín và chất lượng cao thì không lo đến khâu đầu ra, kể cả thị trường khó tính như Trung Quốc |
Ông Nguyễn Tấn Dũng - Giám đốc Kinh doanh lương thực của Tập đoàn Lộc Trời - cho hay, Lộc Trời xuất khẩu 100.000 tấn/năm sang Trung quốc, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo. DN thường xuất khẩu những đơn hàng lớn, gần đây chúng tôi kết hợp với DN Trung Quốc bán sản phẩm gạo chất lượng cao sang Trung Quốc để kinh doanh trong siêu thị và bán trên hệ thống thương mại điện tử như Kinh Đông, Alibaba.
“Trung Quốc là thị trường lớn, chúng tôi muốn hợp tác với các DN đưa các loại sản phẩm gạo chất lượng cao loại túi nhỏ để kinh doanh trực tiếp tại nhiều địa phương ở Trung Quốc và mở rộng thương mại điện tử. Bán gạo chất lượng cao và kinh doanh trực tiếp mang lại lợi nhuận cao hơn bán gạo xá như hiện nay. Vì vậy các DN Trung Quốc và DN trong nước có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để thực hiện việc này”, ông Dũng đề xuất.
Các doanh nhân Trung Quốc trực tiếp kiểm tra từng hạt gạo tại nhà máy của Công ty Lương thực Tấn Vương tỉnh An Giang |
Ông Võ Văn Tài, phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty Lương thực Tấn Vương thông tin, thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường chủ lực của công ty và nhiều năm nay DN đã xuất khẩu với số lượng lớn qua thị trường này. Để đáp ứng nhu cầu của đối tác nhập khẩu, công ty đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại để tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. Ông Tài hy vọng, với năng lực của công ty sẽ ngày càng có nhiều đối tác DN đến từ Trung Quốc đặt hàng để xuất khẩu gạo với sản lượng nhiều hơn.
Các doanh nhân Trung Quốc xem những mẫu gạo chất lượng cao tại Tập đoàn Lộc Trời |
Ông Lưu Anh, Ủy viên Hiệp hội Lương thực Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực tỉnh Sơn Tây đánh giá cao sự tiếp đón và cung cấp nhiều thông tin bổ ích về thị trường gạo của Việt Nam nói chúng và của các tỉnh miền Tây Nam bộ nói riêng trong chuyến công tác của đoàn qua ba tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang. Tuy nhiên, ông Lưu Anh cho rằng, để hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam qua thị trường Trung Quốc phát triển ổn định và bền vững, các DN của hai nước cần có thêm nhiều cuộc kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để cùng nhau xóa bỏ những rào cản, chia sẻ kinh nghiệm. Đối với các DN Việt Nam, cần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng gạo, đổi mới công nghệ xay xát, đóng gói, bảo quản thì nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc luôn chào đón những hạt gạo thơm ngon được sản xuất tại Việt Nam.
Đại diện Công ty Lương thực Tấn Vương ký biên bản ghi nhớ xuất khẩu gạo với doanh nghiệp Trung Quốc |
Tại buổi hội thảo, đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc và Sở Công Thương tỉnh An Giang đã ký kết bản cam kết hợp tác, xúc tiến giao thương để DN Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Lương thực Tấn Vương tỉnh An Giang đã ký kết 5 biên bản ghi nhớ với 5 DN Trung Quốc để xúc tiến kế hoạch xuất khẩu mỗi năm 84.000 tấn gạo qua Trung Quốc.