Tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu gắn với xúc tiến thương mại
Tin hoạt động 02/07/2024 10:07
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 6/2024 được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề: “Sơ kết hoạt động xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định, hội nghị giao ban xúc tiến thương mại lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc nhìn nhận, tổng kết tình hình, bài học kinh nghiệm của công tác xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng nhấn mạnh tinh thần làm việc khoa học để đi đến những kết quả cụ thể.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ tháng 6/2024 |
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.
Về xuất khẩu hàng hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, cụ thể xuất khẩu nhóm nông, thủy sản tăng trưởng ở mức cao, khoảng 19,9%; các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Liên quan tới hoạt động xuất khẩu thời gian tới, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương cần phải rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn, đồng thời phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp.
Ngoài ra, cần phải phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với các Chiến lược, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ linh hoạt, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số. Tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam.
Cùng đó đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay
Hội nghị đã dành thời gian cho các nội dung cập nhật hoạt động xuất khẩu của một số địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 và đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong 6 tháng cuối năm; thông tin cập nhật về chính sách của các nước, định hướng thị trường và khuyến nghị đối với hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp từ các đại diện Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm.