Công tác tuyên truyền còn hạn chế
Số liệu thống kê từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới được tổng hợp gần đây cho thấy, trong năm 2018, toàn quốc xảy ra tới 7.997 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 8.229 người bị nạn. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động xảy ra 578 vụ TNLĐ chết người, làm 622 người chết; khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động xảy ra 394 vụ TNLĐ chết người, làm 417 người chết. So với năm 2017, số vụ TNLĐ chết người và số người chết trong khu vực có quan hệ lao động giảm nhẹ, lần lượt là 10,8% và 6,6%. Trong khi đó, ở khu vực lao động làm việc không có hợp đồng lao động lại tăng khá cao, lần lượt là 57,6% và 59,16%.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ trong cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động |
Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí luyện kim. Đặc biệt trong năm 2018 đã xảy ra 17 vụ TNLĐ nghiêm trọng (làm chết từ 2 người trở lên và làm bị thương nhiều người) tại các địa phương, như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Nông…
Về nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, theo các cơ quan chức năng, chủ yếu do người sử dụng lao động (chiếm 46,49% số vụ TNLĐ). Cụ thể, người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm 24,56% tổng số vụ); do tổ chức lao động và điều kiện lao động (chiếm 9,64% tổng số vụ); người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động (chiếm 7,02% tổng số vụ); thiết bị không đảm bảo an toàn lao động) chiếm 0,88% tổng số vụ). Bên cạn đó, nguyên nhân cũng đến từ chính bản thân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động (chiếm 18,42% tổng số số vụ). Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác, như: tai nạn giao thông, nguyên nhân TNLĐ do người khác, các yếu tố khách quan khác...
Tuy nhiên, có một nguyên nhân rất đáng quan tâm là, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ đã khá đầy đủ, từ Luật ATVSLĐ đến các văn bản hướng dẫn từ cấp Chính phủ đến các Bộ, ngành liên quan, tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, nhất là tại các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh còn rất hạn chế.
Qua giám sát thực tế tại không ít địa phương, đơn vị, công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ chưa sâu rộng và thường xuyên, mới chủ yếu tập trung vào Tháng hành động về ATVSLĐ. Trong khi đó, nội dung, hình thức tuyên truyền còn nặng về chuyên môn, kỹ thuật mà chưa có sự phân loại cho phù hợp với các đối tượng cụ thể. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm, thậm chí vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong lĩnh vực ATVSLĐ.
Tuyên truyền gắn với thực tiễn sản xuất – kinh doanh
Với mục tiêu giảm thiểu rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, ngay từ năm 1999, Chính phủ đã lấy tuần lễ trong tháng 3 hằng năm là Tuần lễ ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ để nâng cao nhận thức cho người lao động cũng như người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, sau 18 năm thực hiện, dù đã đạt được những kết quả tích cực song chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, do đó, vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã nâng Tuần lễ thành Tháng hành động về ATVSLĐ (được tổ chức vào tháng 5 hàng năm) để tiếp tục nâng cao nhận thức cho mọi người, mọi ngành, đặc biệt là người sử dụng lao động và người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các Bộ, ngành, địa phương… cũng đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm liên quan đến công tác ATVSLĐ, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến người sử dụng lao động và người lao động.
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu trong điều kiện lao động mới, có nhiều doanh nghiệp đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, các hình thức tuyên truyền về ATVSLĐ cũng đã được các tổ chức, đơn vị kịp thời thay đổi theo hướng bám sát yêu cầu thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất – kinh doanh của đơn vị mình. Có thể kể đến các phong trào, các cuộc vận động, như: “Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động”; "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ"; “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”;… được tổ chức thành công, nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và DN trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên theo ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - công tác ATVSLĐ là hoạt động mang tính liên ngành, do đó cần huy động được sự tham gia, phối hợp chặt chẽ và mang tính thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cùng chung tay thực hiện mới tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng.
Vì vậy trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác ATVSLĐ, ngành LĐ-TB&XH sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung đổi mới và triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan, kể cả người có quan hệ lao động và người nằm ngoài quan hệ lao động đối để họ hiểu rõ quyền và trách nhiệm, những việc phải làm nhằm bảo đảm sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người lao động, giúp cho doanh nghiệp, xã hội phát triển một cách bền vững. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động nhằm thúc đẩy các chương trình, hành động cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp, nâng cao ý thức, nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó là các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ và các hoạt động phòng ngừa, đánh giá rủi ro giúp doanh nghiệp và người lao động chủ động phòng ngừa, hạn chế các TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; thúc đẩy và đề cao vai trò đảm bảo quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Hội nông dân Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các thành viên của mặt trận và các tổ chức xã hội khác trong việc thực hiện ATVSLĐ.