Hướng tới những mục tiêu lớn
Ngày 10/9/2020 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam và góp ý kiến, xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Bộ Công Thương tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam |
Trình bày tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển Công nghiệp hỗ trợ - Cục Công nghiệp nêu ra những mục tiêu chung và các giải pháp chiến lược cần thực hiện trong giai đoạn tới. Các mục tiêu cần thực hiện trong giai đoạn tới là đưa dệt may, da giày Việt Nam trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, ngành xuất khẩu chủ lực; hình thành mối liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị; phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế…
Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2025, giá trị gia tăng trong ngành dệt may, da giày sẽ tăng trưởng khoảng 6,0 - 7,0%/năm; kim ngạch XK đạt 95 - 100 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng XK đạt 8 - 10%/năm; tăng tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ trong dây chuyền sản xuất. Giai đoạn 2026 – 2030, tăng trưởng giá trị gia tăng trong ngành dệt may, da giày đạt khoảng 5 - 8%/năm; kim ngạch XK đạt từ 120 - 130 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng XK đạt 4 - 5%/năm. Giai đoạn 2030 – 2035, Việt Nam duy trì vị thế trong nhóm các nước XK hàng dệt may, da giày lớn nhất thế giới…
“Tiếp sức” ngành dệt may cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Để thực hiện những mục tiêu trên, Dự thảo cũng đề xuất các giải pháp phát triển sản xuất, hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước; phát triển thị trường và sản phẩm, thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm, phát triển ngành công nghiệp thời trang gắn liền với ngành dệt may. Phát triển nguồn nhân lực tăng cường phổ biến những thông tin về nhu cầu lao động trong ngành dệt may, da giày; đẩy mạnh khuyến khích các mô hình kết nối hợp tác giữa DN và cơ sở đào tạo; Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, chú trọng các kỹ năng mới như thiết kế, phát triển sản phẩm; đào tạo nâng cao năng lực cho DN. Đồng thời, hướng đến xanh hóa ngành dệt may, da giày, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; hỗ trợ các DN trong nước chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về phát triển bền vững…
Bên cạnh đó, các giải pháp về thuế, tài chính như: Các ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật hiện hành về sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; điều chỉnh, sửa đổi các quy định về hoàn thuế VAT đối với nguyên liệu sản xuất trong nước phục vụ xuất khẩu và máy móc thiết bị nhập khẩu; hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các cụm công nghiệp chuyên ngành dệt may theo hình thức tổ hợp khép kín dệt - nhuộm - hoàn tất - may cũng được dự thảo đề xuất cụ thể.
Thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đại dịch Covid-19 đã khiến ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn nguyên liệu sản xuất hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, điều này đòi hỏi các DN dệt may tìm mọi cách ít phụ thuộc vào nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết. Tuy nhiên, để ngành dệt may được hưởng ưu đãi từ các FTA mang lại phải đáp ứng nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ từ vải, sợi... dệt may Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị tăng thêm cho ngành. Để làm được việc đó, rất cần nhà nước có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp.
Đóng góp vào Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày, ông Cẩm cho rằng, cần phải có các cơ chế chính sách tháo điểm nghẽn về vấn đề dệt nhuộm. Theo đó, với tiềm lực của ngành dệt may hiện nay, cần xác định cụ thể quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp về xử lý nước thải tập trung, nghiên cứu thí điểm cho ngành dệt may, da giày… để hình thành chuỗi cung ứng từ sợi dệt nhuộm ngành dệt may để tận dụng hiệu quả các FTA.
Nhiều thách thức đặt ra cho ngành da giày Việt Nam |
Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), điều quan trọng nhất trong Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày Việt Nam thời gian tới là phải hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Lý giải về điều này, bà Xuân cho rằng, Việt Nam chưa hình thành chuỗi liên kết ngành và phát triển CNHT để DN trong nước có thể chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, hầu hết các khách hàng của ngành dệt may, da giày là tập đoàn toàn cầu và có liên kết từ khâu thiết kế, nguyên phụ liệu đến xuất khẩu nên DN Việt sẽ khó mà chen chân. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tập trung ngay từ khâu vật tư cung ứng nguyên liệu cho đến khâu sản xuất phân phối. Trong đó, phải có định hướng các chính sách phát triển CNHT, quy hoạch cụm CNHT để thu hút đầu tư, tạo liên kết chuỗi khép kín nhằm gia tăng giá trị sản phẩm… để hạn chế phụ thuộc vào nước ngoài.
Ngoài ra, theo bà Xuân, chiến lược cũng cần chỉ rõ, điều gì cần ưu tiên, cần làm điều đó trong giai đoạn nào, nhằm loại bỏ những bất cập trong quá trình thực hiện chiến lược.
Đồng thời, kế thừa thành quả của cuộc cách mạng 4.0, để tạo điều kiện thuận lợi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tất cả các khâu từ sản xuất đến phân phối sản phẩm đều phải được số hoá. “Do đó, nếu các nhà máy không chuyển đổi số thì chúng ta không thể theo kịp xu hướng toàn cầu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải ưu tiên chính sách giúp cho doanh nghiệp tập trung chuyển đổi số” - Bà Xuân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, do đó để thu hút các DN nước ngoài đầu tư cũng cần chú trọng phát triển hệ thống logistics. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN dệt may, da giày giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chủ trì Hội nghị tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam |
Để thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam theo hướng bền vững, tăng giá trị tạo ra trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu vào Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy phát triển liên kết... ngành công nghiệp dệt may, da giày nhằm khẳng định vị thế quan trong của hai ngành này trong nền kinh tế Việt Nam.