Sáng ngày 11/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Diễn đàn KTHT, HTX với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, HTX chủ trì diễn đàn.
Bước chuyển mình cả về lượng và chất
Thống kê từ Bộ KH&ĐT cho thấy, ước tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 119.248 tổ hợp tác (THT), 26.112 HTX và 100 liên hiệp HTX, thu hút hàng chục triệu thành viên tham gia.
Doanh thu bình quân của một HTX thực hiện năm 2020 ước đạt 4.387 triệu đồng/HTX, tăng khoảng 116% so với năm 2011. Trong đó, doanh thu bình quân của HTX với thành viên đạt 2.608 triệu đồng, chiếm khoảng 60% doanh thu bình quân của một HTX...
Theo Bộ KH&ĐT, khu vực KTHT, HTX, nhất là những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình KTHT, HTX hoạt động hiệu quả. Khu vực KTHT, HTX từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT - ông Trần Quốc Phương - cho hay, thời gian qua, Việt Nam đã có một số HTX quy mô lớn, phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh thành, có doanh thu cao trên 100 tỷ đồng như HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, Saigon Co.op... thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước không kém bất kỳ doanh nghiệp lớn nào.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước càng phát triển, khu vực HTX càng phát triển. Trong 300 HTX có doanh thu lớn nhất trên thế giới tập trung nhiều ở Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Có được kết quả này là nhờ sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên, đối đầu khó khăn, thách thức cạnh tranh từ bên ngoài.
Do đó, ông Trần Quốc Phương nhận định, xu hướng hiện nay cũng là liên kết các HTX với nhau để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Khi các HTX lớn mạnh có thể tạo bình đẳng liên kết với DN. Đồng thời, khu vực KTHT, HTX cũng phải có chuyển biến quan trọng thích ứng để phát triển. Nhận diện rõ hơn cơ hội để phát triển.
Bên cạnh kết quả đạt được, tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng phát triển khu vực HTX nông nghiệp rất lớn nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận được các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Qua triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015- 2020, đã có khoảng 19.000 lượt HTX được hưởng hỗ trợ từ Chương trình với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách khoảng 3.436 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 HTX được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi, chiếm 16% tổng số HTX trên toàn quốc. Mức hỗ trợ trung bình các HTX được hưởng khoảng 180 triệu đồng/HTX, rất thấp so với nhu cầu thực tế của HTX.
Ngoài các chính sách hỗ trợ chung, HTX nông nghiệp còn được hưởng một số chính sách đặc thù riêng được quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật HTX, như hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh... Nhìn chung, các chính sách chậm triển khai trong thực tế, tác động của chính sách đến các đối tượng thụ hưởng còn thấp, chưa thật sự tạo động lực thúc đẩy KTHT và đặc biệt là các HTX nông nghiệp phát triển. Số lượng và tỷ lệ các HTX tiếp cận và được thụ hưởng các chính sách chưa cao, trong khi nhu cầu hỗ trợ vẫn còn rất lớn.
Phải có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, khu vực KTHT, HTX phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, đóng góp ngày càng quan trọng vào nền kinh tế của đất nước, trực tiếp nâng cao thu nhập thành viên. Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp của khu vực KTHT là 4% vào GDP.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn |
Tuy vậy, khu vực KTHT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục. KTHT phát triển chưa tương xứng tiềm năng, tốc độ tăng trưởng còn thấp, tỷ lệ đóng góp vào GDP thấp; phần lớn HTX quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, chất lượng sản phẩm kém.
Mặt khác, rất ít HTX làm được đầy đủ các chức năng từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giống, vật tư, tổ chức sản xuất cho các thành viên, tìm kiếm thị trường... Trong khi đó, nhiều HTX vẫn hoạt động hình thức, mới chỉ làm được một số khâu dịch vụ đơn giản; phát triển HTX chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các địa phương; gắn kết lợi ích giữa các thành viên chưa cao, sự liên kết còn lỏng lẻo. Việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào HTX còn hạn chế, khi vốn ít, nhân lực hạn chế.
Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân, đó là triển khai các chính sách pháp luật chậm trễ, thiếu các cơ chế hỗ trợ. HTX là người yếu thế nên phải có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Đồng thời, việc tiếp cận chính sách của HTX còn khó khăn vì vướng thủ tục, thiếu nguồn lực. Sự vào cuộc của cấp uỷ Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KTHT. Năng lực quản lý, quản trị HTX từ đầu tư đến xây dựng, phát triển sản xuất kinh doanh còn hạn chế...
Đất nước đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại. Để đạt được điều này, Việt Nam kiên trì phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, phải tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, trong đó khu vực KTHT, HTX có vai trò nòng cốt rất quan trọng.
Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh về pháp lý, hạ tầng, nhân lực để tạo điều kiện cho khu vực KTHT, HTX phát triển. Đồng thời, tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX, DN.
"Phát triển KTHT nhanh và bền vững, xuất phát từ nhu cầu của người dân, phát huy tối đa lợi thế, gắn sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường liên kết giữa các HTX với nhau. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước phải xây dựng chính sách để phát triển KTHT", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, khu vực KTHT là tổ chức kinh tế nên phải có khả năng cạnh tranh, năng động, hiệu quả bền vững, thực sự là thành phần quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, không ngừng nâng cao đời sống, thu nhập của thành viên, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đến năm 2025-2030, Việt Nam cần 10.000 tổ chức KTHT, thu hút 8 triệu thành viên tham gia, xây dựng nhiều mô hình KTHT ứng dụng công nghệ (3.000 mô hình KTHT ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị).
Phó Thủ tướng đánh giá, đây là nhiệm vụ nặng nề, vì vậy lãnh đạo các cấp, các ngành phải nhận thức rõ vai trò của KTHT, HTX. Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, thể chế phát triển KTHT, HTX. Trong đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính thành lập HTX, giúp HTX mở rộng quy mô; Rà soát hoàn thiện văn bản pháp luật, các luật liên quan về thuế, đất đai, bảo hiểm, ngân hàng... Bổ sung sửa đổi chính sách hỗ trợ ưu đãi, thúc đẩy phát triển HTX. Mặt khác, cần đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh của các HTX, các HTX chủ động tái cấu trúc lại chính mình gắn với tiềm năng, lợi thế của từng khu vực theo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.