Cô giáo mầm non ở các điểm trường lẻ vùng cao thường xuyên vất vả với việc duy trì sỹ số lớp |
Có 6 điểm trường, điểm xa nhất cách điểm trường chính gần 20km nhưng chỉ có 15 giáo viên cùng 1 nhân viên y tế, nên tình trạng thiếu giáo viên là câu chuyện lâu nay đối với Trường mầm non Hoa Mai (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Vì thiếu giáo viên nên không chỉ hiệu trưởng và hiệu phó của trường phải thay nhau đứng lớp; mà mỗi cô giáo còn phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, từ giảng dạy, đến vệ sinh lớp, phụ trách dinh dưỡng… Thậm chí, có những thời điểm, 1 cô giáo phải quản tới 70 cháu. Trong khi, Thông tư 06 liên tịch giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Nội vụ, quy định: 1 giáo viên chỉ nuôi dạy 6 - 29 trẻ, tùy nhóm tuổi.
Câu chuyện tương tự như trên còn có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh miền núi khác như: Đắk Lắk, Thanh Hóa, Quảng Bình, Nghệ An… Con số thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy: Tổng số giáo viên công lập hệ mầm non hiện còn thiếu là hơn 32.000 giáo viên.
Vì thiếu giáo viên nên có những địa phương phải từ chối không nhận trẻ vào lớp do quá tải; phải ghép lớp, không tổ chức bán trú cho các cháu như quy định. Nhiều cô giáo phải tăng tiết để đảm bảo hoạt động dạy và học, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng giảng dạy. Không ít giáo viên mầm non chia sẻ: “Đứng lớp đã hết ngày, kín tuần, không còn thời gian để giáo viên giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn”.
Giáo viên mầm non thiếu là vậy, nhưng thực tế, tốt nghiệp giáo viên mầm non xong, nhiều cô giáo đành rẽ ngang làm các công việc khác vì không thể xin việc. Trong một lần lên với xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, tôi có dịp chứng kiến một cô giáo mầm non nhà ở thị trấn Mù Cang Chải đã đi hơn 10 km đường dốc để đến Trường mầm non Lao Chải, sau đó đi ủng, lội bộ 5 km đường đất dốc trơn trượt để lên điểm trường lẻ ở lưng chừng núi. Cô giáo kể, trời lạnh đến lớp cũng chỉ đốt củi, cô trò ngồi quây quanh để sưởi ấm, chứ không tổ chức được hoạt động giảng dạy gì. Vậy nhưng dù mưa gió đến đâu, cô cũng phải có mặt ở lớp từ 7 giờ sáng, trên đường đi, còn rẽ qua nhà vài em để giục các em đến lớp. “Đến để duy trì thói quen đến trường. Với các cháu con em đồng bào Mông ở đây, chỉ nghỉ một vài buổi là các cháu sẽ bỏ không đến trường nữa” – cô giáo nói. Vất vả là vậy, nhưng cô giáo này cho biết, tổng thu nhập một tháng của cô chưa được 6 triệu đồng. Vậy nhưng theo cô, cô vẫn gặp may vì ra trường đúng lúc huyện đang tuyển dụng nên có việc làm ngay. Rất nhiều cô giáo mầm non khác, ra trường đã vài năm mà chưa một lần được đứng lớp vì không có đợt tuyển dụng nào.
Thực tế, giáo viên tốt nghiệp đào tạo mầm non khá nhiều, nhưng việc phân bổ biên chế, hợp đồng lại rất hạn chế, nên không thể đáp ứng kịp nhu cầu dạy học. Với các vùng nông thôn, miền núi, mỗi xã thường chỉ có 1 trường mầm non, nên vấn đề xin việc càng khó khăn. Để xin được vào biên chế là cả hành trình nhọc nhằn. Vậy nhưng, khi đã được vào làm, nhiều cô giáo cũng không thể chịu được công việc vốn được so sánh “nặng nhọc như một thợ hồ nhưng lại rất kén người, chỉ toàn là nữ giới, nam giới nếu có học mầm non thì ra trường cũng rất khó xin việc”.
Một năm học mới lại đến, trong lúc nhiều thành phố lớn đang phải tìm mọi cách để giữ chân giáo viên mầm non, thì tại nhiều xã, huyện của các tỉnh miền núi, giáo viên mầm non vẫn xếp hàng chờ việc trong nỗi thấp thỏm, lo âu.
Rõ ràng với một công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực và cố gắng như giáo viên mầm non, nếu không có chế độ đãi ngộ thích đáng thì việc giáo viên bỏ cuộc giữa chừng sẽ tiếp tục xảy ra. Riêng với các địa bàn miền núi, để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, rất cần những sắp xếp, tính toán để có đủ biên chế theo yêu cầu thực tế của địa phương, đồng thời có chế độ chính sách dành riêng cho giáo viên mầm non, nhất là các cô giáo ở điểm trường lẻ để các cô yên tâm đứng lớp. Có như vậy, chính sách phổ cập giáo dục mầm non mới có cơ hội về đích như kỳ vọng.