Nước mắm Ngọc Lan: Thương hiệu vươn xa nhờ thương mại điện tử Nấm Mối Đen Uyên Khang: Khẳng định thương hiệu nhờ sàn thương mại điện tử |
Tinh hoa của đất trời Tây Bắc
Gạo nếp tan Ngọc Chiến là một trong những sản phẩm nổi bật của xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Được sản xuất bởi Hợp tác xã (HTX) Thành Công, sản phẩm này không chỉ là biểu tượng của nông sản Tây Bắc mà còn mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc của người dân nơi đây.
Được trồng trên những thửa ruộng bậc thang với khí hậu mát mẻ, trong lành của vùng Tây Bắc, gạo nếp tan Ngọc Chiến có những đặc tính nổi bật như hạt gạo bóng mẩy, trắng trong và có mùi thơm đặc trưng.
Nhờ vào sự kết hợp giữa truyền thống canh tác lâu đời và các yếu tố kỹ thuật hiện đại, gạo nếp tan Ngọc Chiến dần xây dựng được uy tín trong lòng người tiêu dùng nhờ chất lượng.
Gạo nếp tan Ngọc Chiến không chỉ là món ăn ngon mà còn là nguồn dinh dưỡng quý giá cho sức khỏe con người. Với hàm lượng protein, vitamin và khoáng chất cao, gạo nếp tan cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể. Những hạt gạo khi nấu lên sẽ nở bung, tạo thành từng hạt cơm dẻo, bùi và ngọt ngào.
Sản phẩm gạo nếp tan Ngọc Chiến. Ảnh: Nhân Dân |
Bên cạnh đó, quy trình trồng gạo VietGAP cũng là yếu tố quan trọng giúp bảo đảm chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
Quy trình sản xuất gạo nếp tan Ngọc Chiến được các nông dân của HTX Thành Công tỉ mỉ chăm chút để tạo ra những hạt ngọc chất lượng. Quá trình từ việc chọn giống, canh tác trên những thửa ruộng bậc thang, đến việc thu hoạch và chế biến đều diễn ra nghiêm ngặt, đặt trọn sự tận tâm của người nông dân.
Trên các thửa ruộng bậc thang, những người nông dân nơi đây vẫn duy trì phương pháp canh tác thủ công, không sử dụng hóa chất để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Ngoài giá trị dinh dưỡng, gạo nếp tan Ngọc Chiến còn gắn liền với những giá trị văn hóa đặc sắc của người dân tộc Thái. Đây được xem là món quà quý giá để biếu tặng người thân, bạn bè trong các dịp lễ Tết, cúng giỗ tổ tiên. Việc sản xuất gạo nếp tan Ngọc Chiến là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái, đồng thời thể hiện sự gắn kết giữa người dân với đất trời Tây Bắc.
Đặc sản vươn tầm quốc tế nhờ Sàn Việt
Với việc được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La, gạo nếp tan Ngọc Chiến nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi. Trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử đang trở thành xu thế tất yếu, để không bị tụt lại phía sau, HTX Thành Công đã chủ động đưa sản phẩm gạo nếp tan Ngọc Chiến lên sàn thương mại điện tử Sơn La (www.sonla.sanviet.vn) - một nền tảng trực tuyến mới được xây dựng để kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nhờ vậy, sản phẩm này không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn đang dần có mặt tại nhiều thị trường quốc tế, góp phần đưa ẩm thực Tây Bắc đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Sàn thương mại điện tử Sơn La được Sở Công Thương tỉnh Sơn La phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng nhằm tạo ra một kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả và tiện lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Các sàn thương mại điện tử như Sàn Việt là kênh quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm OCOP của Sơn La, trong đó có gạo nếp tan Ngọc Chiến. Ảnh chụp màn hình |
Đây là một trong những nỗ lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số tại tỉnh Sơn La, đồng thời, giúp các sản phẩm đặc trưng của địa phương như gạo nếp tan Ngọc Chiến tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn, không chỉ trong nước mà còn ở các thị trường quốc tế.
Việc đưa gạo nếp tan Ngọc Chiến lên sàn thương mại điện tử Sơn La không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn mở ra cơ hội lớn cho HTX Thành Công trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhờ vào nền tảng thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt mua gạo nếp tan Ngọc Chiến mà không cần phải đến tận nơi. Điều này sẽ giúp sản phẩm này tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, đặc biệt là những người yêu thích ẩm thực Tây Bắc nhưng chưa có cơ hội thưởng thức.
Theo ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La cho biết, để triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản trên địa bàn, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Đến nay, tỉnh Sơn La có trên 33.700 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng số; hơn 35.300 hộ được khởi tạo tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Sơn La đã hỗ trợ đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử với hàng nghìn đơn hàng được giao dịch trên sàn.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Sơn La cũng triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất làm quen và sử dụng tốt các nền tảng thương mại điện tử, mở rộng các kênh thanh toán trực tuyến, xây dựng website và chiến lược quảng bá sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội…
Sàn Thương mại điện tử Sơn La tích hợp vào hệ thống sàn thương mại điện tử hợp nhất Sàn Việt (sanviet.vn) của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, giúp kết nối các sản phẩm đặc trưng của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Điều này tạo ra một môi trường giao thương sôi động và hiệu quả, nơi mà người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm chất lượng, với giá cả hợp lý.
Với việc tập trung tất cả các sản phẩm đặc trưng địa phương trên một nền tảng thương mại điện tử giúp thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng thông qua quảng bá các sản phẩm của địa phương một cách có trọng tâm.
Bên cạnh đó, Sàn Việt (sanviet.vn) còn góp phần tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa tập trung từ Trung ương đến địa phương, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trên toàn quốc.
Sàn thương mại điện tử hợp nhất cũng cung cấp các công cụ tiếp thị, xúc tiến bán hàng trực tuyến giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có thể thực hiện hầu hết mọi thao tác trên cùng một nền tảng. Từ đó, giúp sản phẩm của các địa phương dễ dàng tiếp cận được thị trường trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế.