Gỡ "nút thắt" cho doanh nghiệp Việt
Chia sẻ tại "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp 2022" do Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức ngày 30/6, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường cho rằng, doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi nhất định khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chỉ ra, thứ nhất, đây là chủ trương lớn của Đảng thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030. Kinh tế tuần hoàn đã được cụ thể hóa trong luật Bảo vệ Môi trường tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung toàn cầu. Mô hình kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia lựa chọn, như vậy doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm, thiết kế, chuyển giao công nghệ… trên cơ sở mô hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường |
Thứ ba, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích bao gồm: Cơ chế hỗ trợ, tránh được các điều chỉnh luật pháp khác về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, lợi nhuận gia tăng, lao động việc làm…
Thứ tư, sự hỗ trợ của chuyển đổi số và công nghệ trong quá trình đổi mới chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với cách mạng 4.0, 5.0…
Mặc dù có nhiều thuận lợi, song PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cũng nêu những khó khăn khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, về mặt nhận thức, hiện nay nhận thức về kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn là vấn đề mới của doanh nghiệp, nhất là áp dụng cụ thể cho mỗi loại hình doanh nghiệp thế nào được gọi là kinh tế tuần hoàn.
Về cơ chế chính sách, sự bất cập giữa các luật, nhất là giữa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,… Lý do là nội dung kinh tế tuần hoàn mới đưa vào Luật Bảo vệ môi trường trong khi các luật khác đã ban hành trước đây và nay đang quá trình bổ sung hoàn thiện.
Sau luật, nghị định và thông tư, đến nay một số cơ chế, chính sách khác đang quá trình hoàn thiện ở cấp trung ương và các địa phương, cụ thể là đưa nội dung kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch, kế hoạch thực hiện; kế hoạch hành động, lộ trình thực hiện đều liên quan đến doanh nghiệp. Chưa có bộ tiêu chí để nhận dạng thế nào là mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, những tồn tại cũ từ thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các doanh nghiệp đã hoạt động trước đây phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình từ khâu đầu vào nguyên liệu, thay vì thải ra môi trường như trước đây, chất thải được thu hồi tái sử dụng, tái chế hoặc đầu vào cho hoạt động sản xuất khác, liên quan đến mặt bằng, công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp trong một chu trình khép kín.
Những doanh nghiệp đầu tư mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn khâu thiết kế ban đầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, cần có những chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn và thiết kế giỏi. Hiện nay chưa có đào tạo lĩnh vực thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn, đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp.
Ngoài ra, về nguồn vốn đầu tư, công nghệ, con người cũng là trở ngại lớn cho doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn hiện nay. Bởi việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải thiết kế lại, đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải… Như vậy doanh nghiệp sẽ có những sự thay đổi và tìm kiến công nghệ mới phù hợp, hiệu quả.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự khoá học |
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, việc tổ chức các khoá đào tạo này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm cung cấp kiến thức về kinh tế tuần hoàn, các chính sách của Chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn và các yêu cầu về thương mại bền vững của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận được những thuận lợi và khó khăn hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn để có những sự thay đổi phù hợp.
Cơ hội để phát triển bền vững
Qua các chương trình đào tạo, các doanh nghiệp cũng đã được khảo sát mô hình điểm khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec (Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) cho biết: Với tư duy đổi mới về khái niệm tài nguyên, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã xây dựng được mô hình liên kết cộng sinh mang đặc thù riêng của Việt Nam, hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện, đáp ứng các tiêu chí cả về thực tiễn và quy định pháp lý nhằm kiến tạo thành khu công nghiệp sinh thái điển hình, kiểu mẫu mô hình kinh tế tuần hoàn.
Cũng theo ông Điệp, việc thu hút đầu tư của khu công nghiệp Nam Cầu Kiền luôn dựa trên các tiêu chí nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và lao động; khuyến khích nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp.
Bên cạnh đó, tối thiểu 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý và công nghệ sản xuất để giảm chất thải, chất gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu.
Với định hướng phát triển hình hành khu công nghiệp sinh thái, đến nay Nam Cầu Kiền đã thu hút hơn 70 nhà đầu tư trong và ngoài nước vào những ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường như: Công nghệ phụ trợ, công nghệ cao; công nghiệp chế tạo; sản xuất máy móc thiết bị hỗ trợ cho công nghệ đầu tư; sản xuất các sản phẩm trang trí nội ngoại thất xuất khẩu; các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất trong Khu công nghiệp; năng lượng xanh; cùng các ngành sản xuất ít ô nhiễm khác;...
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec (Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) |
Chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam, ông Điệp cho hay, muốn làm được kinh tế tuần hoàn việc trang bị kiến thức cho tất cả các cán bộ nhân viên, các chủ đầu tư, các chủ doanh nghiệp và trang bị kiến thức cho toàn xã hội về phát triển kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng.
Song theo ông Điệp, tiên quyết nhất vẫn là “tháo gỡ” khó khăn từ hành lang pháp lý cho doanh nghiệp. “Hiện hành lang pháp lý của chúng ta chưa thích ứng được với sự phát triển. Theo đó, để điều tiết được kinh tế tuần hoàn cần có sự tích hợp giữa các luật như Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Thuế... Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các cấp chính quyền trong việc điều hành có hiệu quả và tạo ra các chính sách thông thoáng, cũng là điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững” – ông Điệp cho hay.
Để doanh nghiệp có thể áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cũng khuyến nghị: Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội mới để đổi mới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên những lợi thế của doanh nghiệp và những khó khăn cần khắc phục chỉ doanh nghiệp mới hiểu, để chủ động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích chi phí – lợi ích (CBA) của mô hình trước và sau khi chuyển đổi để có quyết định xem việc chuyển đổi đó sinh lời cho doanh nghiệp bao nhiêu? Từ đó có quyết định phù hợp.
Cần có sự tư vấn của các chuyên gia giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Từ chuyên gia chính sách, thiết kế, công nghệ,… tùy thuộc vào mỗi loại hình doanh nghiệp.
Ngoài ra, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường cũng lưu ý, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác truyền thông sau khi chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để xã hội hiểu và ủng hộ, nhất là đối với những doanh nghiệp trước đây gây ra nhiều bức xúc cho xã hội. Xây dựng hình ảnh mới của doanh nghiệp, từ "nâu sang xanh" dựa trên lợi ích tổng thể.
Cần có sự kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp.