Tiền Giang tăng cường xúc tiến, đa dạng thị trường xuất khẩu
Xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD
Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song trong 2 tháng đầu năm 2025, các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh Tiền Giang tiếp tục khởi sắc, chuyển động tích cực. Đặc biệt, công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2024.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 2/2025 của Tiền Giang ước đạt 31 triệu USD, tăng hơn 43% về lượng và tăng gần 48% về trị giá so với cùng kỳ |
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng sản xuất công nghiệp khá ổn định, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2025 tăng 8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 tăng mạnh, ước đạt 550 triệu USD, tăng 22,2% so với tháng trước và tăng hơn 59% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng hơn 81% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực kinh tế, nhất là xuất khẩu hàng hóa, tuy nhiên hoạt xuất khẩu tại các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức.
Trong đó, một số mặt mặt hàng thế mạnh không chỉ riêng của Tiền Giang mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long như gạo và sầu riêng đang chịu tác động mạnh do mức giá trên thị trường thế giới sụt giảm. Qua đó cũng ảnh hưởng đến trị giá xuất khẩu những mặt hàng này của Tiền Giang nói riêng và trong nước nói chung.
Riêng về mặt hàng rau quả, trong tháng 2/2025 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,5 triệu USD, giảm 25,37% về lượng và giảm 25,37% về trị giá so với cùng kỳ. Nguyên nhân xuất khẩu rau quả sụt giảm là do nhiều nước đã siết chặt kiểm định về chất lượng hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Đáng chú ý, sau khi Trung quốc phát hiện sầu riêng Thái Lan có chất vàng O, Trung Quốc lập tức tăng cường kiểm tra hàng rào kỹ thuật khiến mặt hàng này của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Trong đó một số doanh nghiệp của Tiền Giang phải dừng xuất khẩu (2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng qua thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 34,23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh Tiền Giang).
“Các doanh nghiệp Tiền Giang và phía nhà vườn đang lo lắng khi mùa vụ sầu riêng khoảng 1,5 tháng nữa bắt đầu vào mùa vụ tại Tiền Giang cũng như một số tỉnh thành tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang nhấn mạnh.
Tăng cường giải pháp gỡ khó, xúc tiến - đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Đứng trước khó khăn của các doanh nghiệp về thị trường xuất khẩu, ông Lưu Văn Phi cho biết, ngành Công Thương đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Trong đó, ngành Công Thương tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang xác định rõ từng loại hàng hóa và những hàng hóa đó đi vào thị trường nào để có giải pháp. Chẳng hạn như những mặt hàng thuận lợi như thủy sản, Sở tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin kịp thời về diễn biến thị trường thông qua các hệ thống thương vụ của Việt Nam; cũng như thông qua các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với các mặt hàng đang gặp khó khăn như xuất khẩu gạo, Sở sẽ tiếp tục kịp thời thông tin về diễn biến thị trường thế giới đến các doanh nghiệp để doanh nghiệp có giải pháp. Đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp khi đàm phán với đối tác nước ngoài phải lưu ý về diễn biến thị trường. Ngoài ra tiếp tục các giải pháp giảm chi phí sản xuất cho người nông dân; hỗ trợ khuyến cáo nông dân giảm thời vụ, tập trung về chất lượng hơn về số lượng…
Còn đối với mặt hàng sầu riêng, thời gian tới, Sở sẽ tổ chức họp với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sầu riêng của tỉnh bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó dần chuyển sang xuất khẩu mặt hàng sâu riêng sơ chế, chế biến sâu và đẩy mạnh chế biến nhằm tránh xuất khẩu sầu riêng tươi ồ ạt nhằm hạn chế rủi ro.
“Thêm vào đó, Sở tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội, có những kiến nghị đối với các bộ, ngành chức năng trung ương đàm phán với phía Trung Quốc đẩy nhanh thủ tục, dỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật mà hai bên đã thống nhất”, Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết.
Để thúc đẩy xuất khẩu, Sở tiếp tục đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và các thị trường ít bị ảnh hưởng; cũng như tạo điều kiện doanh nghiệp tham gia vào thị trường nước ngoài để không bỏ lỡ cơ hội. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi, tăng cường chuyển đổi số trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA. |