Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng, sản xuất
Công nghiệp, thương mại - dịch vụ năm 2024 tăng trưởng cao
Chiều 7/1/2025, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025”.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, tiếp nối đà tăng trưởng năm 2023, các chỉ tiêu ngành Công Thương năm 2024 tiếp tục đạt được các kết quả nổi bật.
Đại biểu tham dự hội nghị |
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,3%, khẳng định công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã trên đà phục hồi sau một thời gian dài khó khăn; Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 565.000 tỷ đồng, tăng 10,6% góp phần vào tăng trưởng khu vực dịch vụ thành phố; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 47 tỷ USD, tăng 10,6%; Kim nhập khẩu ước đạt 60,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2023; các chỉ số cung ứng điện năng duy trì mức tăng trưởng ổn định.
“Các giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu đã phát huy hiệu quả rõ rệt, trong khi các chương trình, giải pháp liên kết vùng, giải pháp an sinh xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính đã được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả, góp phần quan trọng vào những thành công chung của ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh”, đại diện Sở Công Thương nhấn mạnh.
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Huỳnh Minh Tú cũng nhìn nhận năm 2024 ngành Công Thương cũng đối diện với những khó khăn. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm mua sắm hiện đại và thương mại điện tử cũng làm dịch chuyển hành vi tiêu dùng của người dân; mãi lực giảm tại một số chợ, các cửa hàng bán lẻ phải trả mặt bằng kinh doanh...
Trên cơ sở nhận diện, dự báo các khó khăn thách thức; nắm bắt các cơ hội từ xu thế phát triển ngành và phát huy các thế mạnh của hành phốt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngành đã cụ thể hóa và xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2025.
Cụ thể, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngành công nghiệp thành phố.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội nghị. |
Đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm (ngành Cơ khí - tự động hóa, Cao su - nhựa, Chế biến lương thực - thực phẩm); Chương trình phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố nhằm kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…
Song song đó, khai thác hiệu quả thị trường trong nước; thực hiện liên kết vùng thông qua tổ chức chương trình kích cầu tiêu dùng; chương trình khuyến mại tập trung; chương trình kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành,… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng và phát triển thị trường.
Triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu; Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Máy móc thiết bị công nghiệp năm 2025; Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2025.
Cùng với đó, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, trong các dịp lễ, Tết; phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế.
Triển khai Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao; Đề án xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh; Đề án đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố
Sở cũng tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ kết nối với các trung tâm kinh tế trong đó dự kiến xây dựng, khởi công ít nhất 1 Trung tâm logistics tại thành phố.
Đẩy mạnh xúc tiến - đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng
Về xuất nhập khẩu, ông Lê Huỳnh Minh Tú nhấn mạnh, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vận dụng thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mở rộng xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao; chuẩn bị điều kiện để nâng cấp công nghiệp, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến thực hiện dịch vụ xuất khẩu là chiến lược dẫn dắt nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo đúng lợi thế của thành phố…
Tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng; Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.
“Đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng thị phần tại các thị trường mới, còn tiềm năng”, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: Những kết quả đạt được của Ngành Công Thương, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố năm 2025, qua đó tạo đà cho kinh tế thành phố bứt phá trong năm 2025.
Đồng thời đề nghị ngành Công Thương tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như: Tập trung thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2025 "Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; Nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp;
Cùng với đó, tập trung phát triển công nghiệp chê biên, chê tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đối số đề nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngành công nghiệp thành phố; Có giải pháp hỗ trợ phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; thực hiện liên kết vùng thông qua tổ chức chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình khuyến mại tập trung, Chương trình kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng và phát triển thị trường.
Triển khai Đề án xây dựng thành phố trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cạo; Đề án xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh; Đề án đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn thành phố…
Cũng trong khuôn khổ hội nghị tổng kết, UBND TP. Hồ Chí Minh trao giấy chứng nhận "Sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh năm 2024" cho 42 doanh nghiệp.
Trao chứng nhận "Sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh năm 2024" cho 42 doanh nghiệp tại hội nghị tổng kết |
Một số chỉ tiêu phấn đấu của ngành Công Thương năm 2025: - Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9% so với năm 2024. - Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,5% so với dự ước năm 2024. - Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh qua cửa khẩu cả nước tăng tối thiểu 10% so với năm 2024. |