Hải Dương: Đổi thay chợ nông thôn mới Hà Giang: Xã hội hoá đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ nông thôn |
Đầu năm 2023, Tiền Giang đã hoàn thành đưa vào sử dụng chợ Tân Thanh (Cái Bè) có tổng mức đầu tư 4,97 tỷ đồng và chợ Phường 4 (thị xã Gò Công) có tổng mức đầu tư gần 3,3 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh tiếp tục thi công chợ Bắc Đông (Tân Phước) và chợ Điền Mỹ (Chợ Gạo), dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân trong năm 2023.
Chợ Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang |
Hiện, Tiền Giang có 176 chợ, trong đó, khu vực nông thôn có 155 chợ, khu vực thành thị có 21 chợ. Hàng năm, mạng lưới chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh không những tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động, mà còn tạo ra một nguồn thu khá lớn cho ngân sách địa phương.
Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chợ nông thôn) trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới bền vững. Do đó, trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã quan tâm kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng thương mại.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Tiền Giang, hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua chợ trên địa bàn toàn tỉnh có mức tăng trưởng hàng năm đạt khá, tốc độ tăng bình quân trong những năm gần đây cao và tương đối ổn định. Hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua chợ có tỷ trọng trên 50% so với tổng lượng hàng hóa, dịch vụ qua các hình thức phân phối.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Tiền Giang cho biết, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và đã trở thành một điểm sáng của tỉnh.
Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tỉnh phấn đấu xây dựng ít nhất 65 xã, chiếm 45,77% và 2 huyện, chiếm 25% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; cao hơn mức quy định lần lượt là 40% và 20%.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã ban hành hàng loạt các văn bản như: Nghị quyết Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới đến năm 2025; 9 nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế phân bổ, sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2025; 20 quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản khác của UBND tỉnh về phân công nhiệm vụ, phối hợp, hướng dẫn các cấp, sở, ngành thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND quy định phân bổ chi hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2022 – 2025.
Trong đó, Nghị quyết quy định: Chi hỗ trợ ít nhất 5 tỷ đồng/xã cho các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; chi khen thưởng công trình phúc lợi với mức thưởng 500 triệu đồng/xã và 10 tỷ đồng/huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Xác định việc đầu tư hạ tầng chợ, nhất là chợ nông thôn để luân chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất trong tỉnh sẽ tạo bước phát triển bền vững cho kinh tế của các địa phương, thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Tiền Giang tiếp tục vận động, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận quản lý, đầu tư xây dựng các chợ huyện, chợ xã theo quy hoạch; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.
Để qua đó dần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo môi trường giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa lành mạnh, phát triển thương mại, tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Trong quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang nói chung và việc phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 nói riêng, chợ nông thôn cũng được xác định là khâu đột phá, mang tính chất đòn bẩy trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp được đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chợ nông thôn trong việc phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển và tăng cường quản lý thương mại trên địa bàn tỉnh.
Tích cực tranh thủ các nguồn vốn, xã hội hóa xây dựng, cải tạo các chợ cấp xã, liên xã, bảo đảm số lượng chợ cần thiết với mục tiêu phục vụ đầy đủ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá, văn hóa của dân cư ở nông thôn.
Hình thành hệ thống quản lý đồng bộ ở tất cả các chợ; đội ngũ này được trang bị kiến thức và có đủ năng lực quản lý Nhà nước về thương mại trên địa bàn. Đồng thời làm tốt công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý chất thải, nước thải, ô nhiễm nguồn không khí và tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ.