Sóc Trăng: Phấn đấu sớm "về đích" tiêu chí điện và chợ nông thôn mới Đổi thay chợ nông thôn mới |
Trước khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa phát triển mạnh, việc trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân chủ yếu được thực hiện thông qua chợ truyền thống. Cơ sở hạ tầng nhiều chợ đã xuống cấp, thường xuyên ngập úng vào mùa mưa, không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy.
Chợ Cẩm Hoàng được nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng buôn bán, nâng cao thu nhập. Ảnh: Trang Hiền, báo Hải Dương |
Với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, ngành, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn có bước phát triển mạnh mẽ. Một số chợ sau khi được đầu tư xây dựng, cải tạo đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp nhân dân trên địa bàn mở rộng giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân địa phương.
Chợ Cẩm Hoàng là một trong số nhiều chợ trên địa bàn tỉnh Hải Dương được đầu tư, nâng cấp. Chợ rộng 2.500 m2, được chia thành từng khu riêng biệt, các gian hàng bố trí gọn gàng với đầy đủ các công trình phụ trợ. Đây là nơi buôn bán, kinh doanh sầm uất không chỉ của người dân xã Cẩm Hoàng mà còn cả ở các địa phương lân cận. Chợ Cẩm Hoàng được nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng buôn bán, nâng cao thu nhập.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, trong giai đoạn 2014 - 2020, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 39 chợ thuộc 11/12 đơn vị cấp huyện trong tỉnh với tổng số tiền hỗ trợ hơn 19,4 tỷ đồng.
Hiện nhiều địa phương có chính sách thu hút các đơn vị, cá nhân để đầu tư xây dựng chợ. Cũng nhờ vậy, mạng lưới chợ nông thôn đã có sự đổi thay hoàn toàn so với giai đoạn trước.
Hiện hầu hết các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm kiên cố và bán kiên cố, nền chợ được cứng hóa, hệ thống tiêu thoát nước bảo đảm theo tiêu chuẩn. Các lán chợ cũng được sửa chữa, thay thế bằng mái tôn. Công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được quan tâm, chú trọng.
Qua đó, đã thu hút đông đảo tiểu thương và nhân dân tham gia kinh doanh mua bán tại chợ, góp phần giúp người dân trên địa bàn mở rộng giao thương hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân địa phương.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 172 chợ ở 265 xã, phường, thị trấn (3 chợ hạng 1, 20 chợ hạng 2, 149 chợ hạng 3). Trong đó có 128 chợ nông thôn ở 226 xã. Sau khi sáp nhập địa giới hành chính, toàn tỉnh còn 121 chợ nông thôn ở 178 xã.
Ngày 26/9/2022 UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 2581/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, để đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (Tiêu chí số 7), các xã cần đáp ứng các yêu cầu sau. Đối với xã có chợ nông thôn nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển thì chợ phải hoàn thành các tiêu chí trong nội dung đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới; không phát sinh chợ "cóc".
Đồng thời có mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc đáp ứng một số tiêu chí theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm quy định tại TCVN 11856:2017.
Đối với xã đã có chợ nông thôn nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển phải có mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc đáp ứng tiêu chí theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm quy định, không phát sinh chợ "cóc".
Đối với xã không có chợ nông thôn hoặc có chợ nông thôn trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng thì không xem xét đánh giá tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Có thể khẳng định, mạng lưới chợ nông thôn đã góp phần tích cực tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân nông thôn. Dù vậy, việc phát triển, hoàn thiện hạ tầng thương mại nông thôn tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn. Nguyên nhân do nguồn kinh phí để thực hiện tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn hạn hẹp. Một số nơi tư nhân tự đầu tư nên không ít hạng mục chưa bảo đảm tiêu chuẩn, thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Để phát triển và khai thác có hiệu quả hệ thống chợ nông thôn, chính quyền các địa phương cần có giải pháp quản lý hoạt động chợ trên địa bàn hiệu quả, tránh lãng phí; giải tỏa hết chợ tạm, chợ "cóc" gây mất trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân lực quản lý, chuyển đổi mô hình quản lý chợ để kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...