Nhận biết sớm triệu chứng bệnh bạch hầu Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào? Các biện pháp phòng bệnh bạch hầu |
Theo các chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố. Bệnh lưu hành trên toàn cầu và thường gặp các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vaccine.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm các vaccine đầy đủ, đúng lịch |
Hiện nay, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh bạch hầu nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ.
Bệnh có thể gây biến chứng viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Theo thống kê chung của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong (chết/mắc) của bệnh bạch hầu có thể 5-10%.
Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Theo Bộ Y tế, hiện, bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm các vaccine đầy đủ, đúng lịch, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm thì cần tham gia tiêm chủng sau đó sớm nhất có thể.
Vaccine phòng bạch hầu được khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả trẻ nhỏ, 3 liều lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lần 1 vào lúc 18 tháng tuổi. Phụ huynh có thể lựa chọn cho con tiêm vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 có thành phần bạch hầu. Mũi tiêm kết hợp phòng 4 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib; thêm bại liệt, viêm gan B tùy loại vaccine.
Trẻ từ 4-6 tuổi giai đoạn này trẻ cần tiêm nhắc lại vaccine có thành phần bạch hầu. Phụ huynh có thể chọn tiêm nhắc cho con bằng vaccine 4 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt.
Đối với trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước khi mang thai hoặc đang mang thai ở tuần thứ 27 đến dưới đến dưới 35 tuần thai có thể nhắc lại vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, sau đó có thể nhắc mỗi 10 năm/lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn bạch hầu lâu dài.
Việc tiêm nhắc đúng lịch giúp tăng khả năng bảo vệ của lần chủng ngừa trước đó. Người trưởng thành tiếp xúc xã hội nhiều, thường xuyên di chuyển do đó nguy cơ cao mắc bệnh và lây cho các đối tượng khác. Ngoài ra, càng lớn tuổi, hệ miễn dịch càng suy yếu nên cần tiêm nhắc vaccine để tăng khả năng phòng bệnh.
Chuyên gia lưu ý cần tiêm ngừa đủ lịch, đúng liều, kể cả các mũi nhắc để phát huy hiệu quả vaccine. Ngoài ra, người dân cần kết hợp nhiều biện pháp phòng bạch hầu như giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, vệ sinh vùng họng mũi, dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường vận động nâng cao thể trạng.
Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 đến 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004-2019). Bệnh bạch hầu đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4/2024, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh). Tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong (tháng 6/2024) tại huyện Kỳ Sơn. Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh (tháng 7/2024) tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An. |