Dịch bạch hầu gây tử vong quay trở lại, cách nhận biết sớm bệnh bạch hầu Nhận biết sớm triệu chứng bệnh bạch hầu |
Đường lây truyền chủ yếu của bệnh bạch hầu
Theo tham vấn của BSCK II. Phạm Thị Khương - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, bệnh bạch hầu có những biểu hiện ở niêm mạc đường hô hấp trên như viêm họng, viêm thanh quản hay niêm mạc mắt, bộ phận sinh dục, ở da, hoặc người lành mang trùng, không có triệu chứng.
Bệnh vừa có biểu hiện nhiễm trùng vừa có biểu hiện nhiễm độc (ngoại độc tố) và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Tiêm phòng vắc xin là giải pháp ngăn ngừa bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa |
Đường lây truyền chủ yếu bao gồm tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp (trực tiếp hoặc qua giọt trong không khí) hoặc từ tổn thương da. Bệnh xảy ra quanh năm với tỷ lệ mắc cao nhất trong những tháng lạnh hơn.
Những biểu hiện lâm sàng
Bệnh bạch hầu đường hô hấp: Các triệu chứng thường bắt đầu từ hai đến năm ngày sau khi nhiễm bệnh. Biểu hiện lâm sàng gồm tổn thương tại vị trí vi khuẩn bạch hầu xâm nhập ở đường hô hấp như họng, thanh quản... hay ở cơ quan khác như da, mắt... và biểu hiện toàn thân do nhiễm ngoại độc tố của vi khuẩn tiết ra tại tim, thận, thần kinh. Khởi đầu bệnh xảy ra mức độ từ từ tăng dần.
Bạch hầu họng: Gặp chủ yếu có tới 2/3 trường hợp là amidan. Các triệu chứng thường gặp nhất là đau họng, khó chịu, nổi hạch cổ dưới hàm và sốt nhẹ. Phát hiện sớm nhất ở hầu họng là ban đỏ nhẹ, có thể tiến triển thành các đốm rải rác của dịch tiết màu xám và trắng.
Thể bệnh bạch hầu ác tính: Lan rộng cộng với sưng amidan, lưỡi gà, hạch bạch huyết dưới hàm và ở cơ ức đòn chum to, sưng được gọi là "cổ bạnh" của bệnh bạch hầu. Trong những trường hợp như vậy, đường hô hấp tại hầu họng thanh quản bị giả mạc bit tắc, dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Ở những bệnh nhân không được điều trị, thời kỳ nhiễm trùng bắt đầu khi khởi phát triệu chứng và kéo dài trong hai tuần ở phần lớn bệnh nhân; trong một số trường hợp, nó có thể kéo dài tới sáu tuần. Ở những bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh thích hợp, thời gian nhiễm trùng thường kéo dài dưới bốn ngày.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, biến chứng tim là nguyên nhân chính gây tử vong khi mắc bệnh bạch hầu. Quá trình thời gian khởi phát viêm cơ tim là khác nhau; thường xảy ra 7 - 14 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng hô hấp. Bạch hầu ác tính có bệnh cơ tim khoảng 80% .Viêm cơ tim là một yếu tố tiên lượng xấu; đó là yếu tố dự báo tử vong cao nhất.
Có thuốc điều trị bệnh bạch hầu
Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu tử vong, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Những người có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu bao gồm: Trẻ em và người lớn không được tiêm vắc xin bạch hầu; những người sống trong điều kiện đông đúc hoặc không đảm bảo vệ sinh; đi du lịch đến một khu vực đang có dịch bệnh bệnh bạch hầu
Trước khi có thuốc kháng sinh, bạch hầu là một bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Ngày nay, căn bệnh này không chỉ có thể chữa được mà còn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Vắc xin bạch hầu thường được kết hợp với vắc xin uốn ván và ho gà.
Vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà là một trong những loại vắc xin được các bác sĩ tại Hoa Kỳ khuyên dùng trong thời kỳ sơ sinh. Vắc xin thường được tiêm ở cánh tay hoặc đùi khi trẻ ở 5 độ tuổi: 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 15 - 18 tháng, 4 - 6 tuổi
Sau khi đã hoàn thành 5 mũi trên ở thời thơ ấu, người khỏe mạnh cũng cần tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu để giúp duy trì khả năng miễn dịch. Đó là bởi vì khả năng miễn dịch đối với bệnh bạch hầu giảm dần theo thời gian.
Theo các chuyên gia từ hội Nhi Khoa Việt Nam, kháng thể phòng ngừa một số bệnh mà trẻ đã được tiêm trong 2 năm đầu đời không tồn tại suốt đời theo như suy nghĩ của đa số các bậc phụ huynh, mà sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, trẻ em được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo trước 7 tuổi thì nên được tiêm mũi đầu tiên nhắc lại vào khoảng từ 11 - 12 tuổi. Lần tiêm nhắc tiếp theo được khuyến nghị 10 năm sau, sau đó lặp lại sau khoảng thời gian 10 năm. Tiêm nhắc lại đặc biệt quan trọng nếu người khỏe đi đến các khu vực thường gặp bệnh bạch hầu.
Mới đây, một cô gái 18 tuổi tại Nghệ An được xác định tử vong do bệnh bạch hầu, đây là ca bệnh đầu tiên tại địa phương này trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang ghi nhận một cô gái 18 tuổi dương tính với bạch hầu, nguy cơ bệnh lây lan cộng đồng. Cô gái này tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, ngày 25-28/6 về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với một nữ sinh khác. Sau thi, ngày 1/7 cô đón xe khách từ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về huyện Hiệp Hòa ( Bắc Giang). Vài ngày sau nữ sinh ở chung phòng phát bệnh rồi tử vong, CDC tỉnh Nghệ An ghi nhận do bệnh bạch hầu, điều tra dịch tễ và thông báo CDC Bắc Giang về ca nghi nhiễm trên. Trong năm 2020, dịch bạch hầu đã diễn ra ở Tây nguyên với số ca mắc lên đến 200 ca và 4 ca tử vong. Sau đó tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam vẫn xuất hiện rải rác các ca bệnh bạch hầu trong những năm qua. |