Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu khai thác hải sản, sản lượng khai thác lớn nhất cả nước. Sau kết quả kiểm tra thực tế của Đoàn thanh tra EC tại Kiên Giang vào tháng 5 năm ngoái, đến nay, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để thực hiện IUU. Tại cảng cá Tắc Cậu, từ đầu năm đến nay đã có gần 5.000 lượt tàu vào cảng. Mặc dù trong tình trạng quá tải nhưng hiện các công việc như xác nhận nguồn gốc hải sản, kiểm tra khai báo, ngăn chặn đánh bắt trái phép đã đi vào nề nếp. 100% tàu đã được kiểm soát nguồn gốc hải sản khi cập cảng.
Đánh giá về kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục IUU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, hiện Việt Nam đang nỗ lực triển khai 4 giải pháp mà EC khuyến cáo bao gồm khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Đến nay, hệ thống luật pháp đã được thể hiện rất rõ trong Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cụ thể hóa qua 2 Nghị định và 8 Thông tư. Bên cạnh đó, hệ thống theo dõi, giám sát, quản lý tàu đánh bắt thủy sản vào - ra trên biển đã được triển khai lắp ở tất cả các địa phương và đang được nỗ lực kiểm soát.
Theo đại diện Tổng cục Thủy sản, việc phòng, chống khai thác IUU của Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về chống khai thác IUU. Tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển của các nước, quốc đảo Thái Bình Dương đã chấm dứt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số địa phương vẫn còn tình hình tàu cá của tỉnh khai thác trái phép tại các vùng biển nước ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành khai thác thủy sản địa phương cũng như công tác chống khai thác IUU, khắc phục thẻ vàng của Việt Nam.
Trong chuyến đi kiểm tra mới đây tại tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, các tỉnh phải thực hiện nghiêm khuyến cáo của EC, vừa là gỡ "thẻ vàng" nhưng cũng là quyền lợi của ngư dân khi xuất khẩu thủy sản. Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tái cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng.
Trao đổi với báo chí về vấn đề gỡ bỏ thẻ vàng của EC mới đây, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam đã có những biện pháp tích cực để cải thiện tình hình. "Việt Nam cần cân nhắc trữ lượng thủy sản dành cho tương lai, đồng thời có hướng giảm trợ cấp cho đánh bắt thủy sản để bảo tồn nguồn thủy sản và đây là công việc khó khăn. Một biện pháp Việt Nam có thể áp dụng là Chính phủ cung cấp trang, thiết bị giám sát tàu cá giúp theo dõi, kiểm soát được việc đánh bắt này. Nếu Việt Nam thực hiện triệt để các nghĩa vụ và cải thiện tình hình thì thẻ vàng sẽ được gỡ bỏ" - ông Bernd Lange khuyến nghị.
Theo kế hoạch, Đoàn thanh tra Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu (DG - MARE) sẽ làm việc tại Việt Nam từ ngày 4 - 14/11/2019, để đánh giá việc khắc phục khuyến cáo trong thực hiện quy định liên quan IUU. |