Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận được yêu cầu hỗ trợ của một doanh nghiệp nhập khẩu tại Việt Nam mua mặt hàng bột nhẹ (soda ash) của một doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng doanh nghiệp này không hề tồn tại trên thực tế.
Doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu có trang web (tên miền .com) và địa chỉ công ty tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi giao kết hợp đồng, doanh nghiệp lừa đảo gửi một bộ chứng từ đầy đủ bị làm giả bao gồm cả vận đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật... Vận đơn của lô hàng cũng do một công ty vận tải giả mạo phát hành và công ty này cũng có một trang web, trên đó có cả mục tra cứu vị trí của lô hàng nhưng thông tin này đều không có trên thực tế. Doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng nhưng không kiểm tra doanh nghiệp có thật hay không và sau khi nhận bộ chứng từ giả đã chuyển tiền đến một tài khoản của một doanh nghiệp bên thứ 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng không có thật theo yêu cầu của công ty lừa đảo.
Tiếp đó, doanh nghiệp lừa đảo tiếp tục yêu cầu người mua chuyển tiếp một khoản tiền cước nữa nếu không sẽ không cho hàng lên tầu trong khi hợp đồng ký với điều kiện CIF Hải Phòng. Đến lúc này doanh nghiệp mới liên hệ với Thương vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị kiểm tra, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn tin là hàng đã đi vì kiểm tra trên trang web của công ty vận tải cấp vận đơn giả mạo vẫn có kết quả tầu đang ở một cảng tại đảo Síp. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục liên hệ và được doanh nghiệp là bên thứ ba nêu trên thông báo có nhận được các khoản tiền hàng và yêu cầu chuyển thêm 1.000 USD nữa thì sẽ chuyển trả lại khoản tiền đã chuyển vào tài khoản của họ.
Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm tra và nhận thấy tất cả các doanh nghiệp được đề cập đều không có trong danh sách các doanh nghiệp đăng ký tại phòng thương mại và công nghiệp và phòng hàng hải tại địa phương. Doanh nghiệp lừa đảo có trang web có vẻ rất chuyên nghiệp và bắt mắt, có đủ thông tin liên hệ và không dễ dàng nhận ra một số yếu tố đáng nghi ngờ do khó nhận biết như số điện thoại không có số cố định (có mã vùng) và là số di động (bắt đầu là +90 5xx …). Số điện thoại liên hệ được sử dụng để trao đổi với doanh nghiệp nhập khẩu là số di động và dùng phần mềm WhatsApp để giao dịch với người mua. Thương vụ kiểm tra và phát hiện là các số di động của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sử dụng tại Bắc Síp và không trả lời.
Bên cạnh việc kiểm tra qua các nguồn thông tin, Thương vụ cũng liên hệ trực tiếp với Phòng Thương mại địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm tra thêm lần nữa và được xác nhận lại tất cả các doanh nghiệp đều không tồn tại. Phòng cũng cảnh báo nhiều người tị nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống đã lập trang web rồi lừa đảo và phòng đã gặp phải rất nhiều trường hợp lừa đảo tương tự. Thương vụ cũng đã liên hệ với ngân hàng có tài khoản công ty lừa đảo nhận tiền chuyển từ Việt Nam và được trả lời ngân hàng này không thể cung cấp thông tin về tài khoản cũng như khoản tiền do nguyên tắc hoạt động của ngân hàng sở tại. Ngân hàng cũng chỉ hướng dẫn doanh nghiệp bị lừa đảo cần liên hệ và ủy quyền cho luật sư khởi kiện ra tòa án tại Thổ Nhĩ Kỳ và ngân hàng chỉ thực hiện theo yêu cầu của tòa án. Ngân hàng cũng không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài.
Cũng cùng mặt hàng này, trong năm 2017, một doanh nghiệp khác tại Việt Nam đã tìm thấy một doanh nghiệp cung cấp nhưng do nghi ngờ về tính chất pháp lý đã đề nghị Thương vụ hỗ trợ kiểm tra và Thương vụ đã phát hiện ra doanh nghiệp này là giả mạo và đã sử dụng số điện thoại di động để giao dịch mà không cung cấp số điện thoại cố định, email giao dịch cũng làm giả gần giống email của doanh nghiệp độc quyền xuất khẩu (chỉ khác là thêm một chữ s vào sau 1 chữ s khác trong tên miền của email). Bên cạnh đó, người giao dịch cũng sử dụng tên của một người đã từng làm cho doanh nghiệp xuất khẩu độc quyền để tạo niềm tin với nhà nhập khẩu. Chỉ sau khi Thương vụ trực tiếp liên hệ và xác minh bằng cách gọi điện theo số cố định, đề nghị gặp làm việc mới xác định được kẻ lừa đảo sử dụng tên cá nhân và doanh nghiệp giống hệt doanh nghiệp xuất khẩu độc quyền.
Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo các doanh nghiệp giao dịch với các doanh nghiệp sở tại cần có bước kiểm tra tư cách pháp lý của đối tác và liên hệ với Thương vụ để được hỗ trợ và ngăn chặn các vụ lừa đảo. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý và cảnh giác khi khách hàng yêu cầu chuyển tiền đến một tài khoản của một bên thứ 3 để tránh các trường hợp lừa đảo như nêu trên hoặc bị hacker làm giả email giao dịch của các bên để chiếm đoạt tiền.