Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, đó là sự phỉ báng, xúc phạm sẽ gây tổn phước cho chính mình.
Thời gian qua, những phát ngôn của Thượng tọa Thích Chân Quang (trụ trì Thiền tôn Phật Quang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trong một số clip được dư luận phản ánh với các nội dung dẫn dụ theo luật nhân - quả trong giáo lý Phật giáo được Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định là “các nội dung làm hoang mang xã hội, không đúng với tôn chỉ”.
Vì vậy, sau khi xác thực thông tin trong các clip bài giảng, Thượng tọa Thích Chân Quang bị cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức, không được chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác, trong thời gian 2 năm.
Thượng tọa Thích Chân Quang. Ảnh: Thiền tôn Phật Quang |
Tuy nhiên, những phát ngôn trong các clip bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang được cho là phản cảm vẫn tiếp tục được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Đáng chú ý, một số bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang được “lồng ghép”, dẫn dắt về cách sử dụng đồng tiền, bị xin tiền, người có tiền… rất đáng suy ngẫm!
Tại một clip bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang về “nhân quả giàu nghèo” có đoạn: “Người nào cứ xà nẹo đeo đuổi mình, nhiều khi chính những đứa con của mình, hoặc chính đứa em của mình, hoặc bạn bè nào đó mà mắc nghiệp chướng gì không biết cứ đeo đòi tiền mình hoài, vì đời xưa mình xúi nó làm bậy. Nó nghèo nó bắt đền mình. Ai có phước gặp mình cho tiền, tức là đời xưa mình xúi người ta làm phước. Còn cái người mình xúi người ta làm bậy giờ ta mắc đền mình”.
Hay ông Thích Chân Quang “đúc rút” ngắn gọn: “Khi ta chưa giàu, làm ăn là phụ, làm phước là chính. Còn khi ta đã giàu, làm phước là chính, làm ăn là phụ”.
Trong bài giảng về “tiết kiệm cũng là đạo đức”, ông Thích Chân Quang thuyết giảng: “Người mà phung phí tiền thì quả báo sau này không còn tiền nữa. Cái người không bao giờ xài một đồng nào thì sau này cũng không có đồng nào nữa”.
Để lý giải cho “triết lý” trên, ông Quang đặt lại câu hỏi với phật tử và tự trả lời: “Nói như vậy phải làm sao? Cái khó là như vậy đấy. Cho nên khi tiền vào tay mình thì đừng tưởng đó là sự sung sướng. Nó là cục nợ, tránh nhiệm, bổn phận, không sung sướng gì đâu. Cầm đồng tiền mà xài bậy, mai mốt quả báo không còn đồng nào. Hay sợ quá giấu luôn đi thì mai mốt cũng không còn đồng nào. Vậy phải xài chính xác từng đồng nhỏ. Nói như vậy trên đời này căng thẳng quá, nhưng đúng như vậy. Bây giờ ai đứng lên tuyên bố, “thưa thầy con cho thầy 10 tỷ”, thầy xỉu liền. Xỉu liền không phải vì thầy mừng mà gánh nặng đè lên vai chịu không nổi. 10 tỷ mà, phải xài từng đồng cho đừng sai đồng nào hết”.
Đáng chú ý, tại một đoạn clip trong bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang đang được lan truyền chóng mặt trên một số nền tảng mạng xã hội khiến các phật tử thật không khỏi "xoắn não" và nhanh nhanh mà “nảy số”!?
Bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang có đoạn: “Các phật tử ở các nơi, nhất là vùng ngoài Bắc phải chấm dứt cái tệ tìm cái tiền mệnh giá thấp nhét vào các tượng. Phỉ báng quá! Xúc phạm quá! Cái sự xúc phạm đó là sự tổn phước. Nếu tổn phước như vậy không được may mắn. Vậy cái người cứ cầm tiền mệnh giá thấp đi nhét vào trong tượng thì năm đó người ấy cực kỳ xúi quẩy. Rất là xui, làm gì cũng thất bại. Như vậy, phải tìm tiềm mệnh giá cao đưa cho thầy trụ trì. Thầy trụ trì ông mới làm cái việc đạo được. Ông là người cất chùa, (người xây chùa – PV) ông mới làm được. Nhớ!”.
Để chốt lại cho “luận chứng” trên, Thượng tọa Thích Chân Quang nhấn nhá: “Lấy tiền mệnh giá thấp nhét vô tượng Phật thì năm đó sẽ gặp xui. Lấy tiền mệnh giá cao đưa tận tay thầy trụ trì năm đó sẽ gặp hên!”.