Vừa qua, Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau khi thẩm tra, đánh giá nội dung các video thuyết giảng của ông Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã khẳng định một số nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm ông Thích Chân Quang thuyết giảng dưới mọi hình thức, không được chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác, trong thời gian 2 năm.
Đồng thời, yêu cầu Thiền tôn Phật Quang và ông Thích Chân Quang phải thu hồi các phái quy y tam bảo có nội dung tự sửa một trong ngũ giới không đúng với luật ngũ giới của Phật giáo; gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội.
Buổi họp, xem xét sự việc của Thượng tọa Thích Chân Quang - (Ảnh: GHPGVN) |
Tuy nhiên, những phát ngôn gây “sốc”, gây hoang mang dự luận từ những bài thuyết giảng đã được người dùng mạng xã hội chia sẻ lại, phát tán rộng rãi, vẫn nhan nhản trên không gian mạng.
Khi Thượng tọa nói về nhân quả, "Ai hát karaoke nhiều người đó có nguy cơ chết làm ma câm"; "không có chuyện gì đáng để đi mà xách xe đi tào lao, tốn xăng, làm ô nhiễm không khí thì về già sẽ phải nằm một chỗ, tức là bị tai biến hoặc bị liệt"; "người câu cá là những người lừa đảo",… khiến ai nghe xong cũng phải khiếp sợ.
Tại một bài viết trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lý giải về địa ngục, bài viết cho hay: “Là người phàm nên không ai có thể thấy được địa ngục sau khi chết cả - chỉ trừ đức Phật và các vị Thánh La Hán. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có được cái “thấy” bằng trí, bằng tuệ quán, căn cứ và Kinh điển Phật giáo. Ta thấy: Cả Phật giáo Nam tông và Bắc tông đều ghi nhận là có địa ngục sau khi người ta qua đời, và Địa ngục chỉ là một trong sáu cảnh giới ở cõi Dục mà con người sẽ thác sinh vào”.
Còn theo Thượng tọa Thích Chân Quang, địa ngục cũng là cái ngục như trại giam trên mặt đất, nhưng mà ở đó họ tinh vi hơn và công bằng hơn.
Lý giải cho câu nói trên, Thượng tọa cho rằng, trên trần gian không có sự công bằng tuyệt đối, các cơ quan chức năng có thể bị mua chuộc, còn dưới địa ngục thì không.
“Ở mặt đất của chúng ta, cai ngục có thể bị mua chuộc, Viện kiểm sát có thể bị mua chuộc, Cơ quan điều tra có thể bị mua chuộc, Tòa án có thể bị mua chuộc. Có nhiều người họ lách luật, họ trốn không ai hay hết nên trên trần gian ta không thực thi được sự công bằng tuyệt đối. Có rất nhiều người tốt mà không bao giờ được thưởng. Nên trên trần gian không có sự công bằng tuyệt đối, những người ác, xấu không bị trừng phạt đúng mức”.
Để minh chứng cho câu nói trên, Thượng tọa Thích Chân Quang lấy ví dụ: Nó vô nhà người ta nó giết người, hãm hiếp, cướp tài sản cuối cùng ra tòa tuyên án, bàn đi bàn lại luật sư đứng lên cãi là cũng có một phần lỗi của gia chủ. Thế là tử hình ta giảm xuống chung thân. Chung thân rồi thời gian thấy nó hiền lành thì giảm án xuống 2 chục năm. Thời gian nữa không biết ai lo lót ân xá nó trước thời hạn còn 10 năm. Sau khi nó ra tù, nó gây thêm mấy vụ án động trời nữa. Cho nên, ta chưa bao giờ đạt được sự công bằng tuyệt đối của trần gian này.
Thượng tọa Thích Chân Quang trong video nói về địa ngục - (Ảnh: Cắt từ clip) |
Đó là ở trên trần gian, còn khi xuống dưới âm phủ rồi thì sao? Câu hỏi được đặt ra cho hàng trăm phật tử, nhưng đã ai xuống địa ngục mà biết được sẽ như thế nào?
Thầy nói, “Không có cái gì sót hết, từng tội, từng ý nghĩ nho nhỏ được đọc ra hết. Ngày đó, giờ đó ngươi vì lòng tham đã nghĩ đến mưu này hại người ta, giết người ta rồi mà còn gài cái lỗi cho người ta. Mặc dù ngươi đã ở tù 10 năm nhưng cái tội này, ngươi phải bị giam ở địa ngục này 367 năm”.
Rồi thầy tả, trong 367 năm đó phải chịu đói khổ, phải chịu trừng phạt, đánh đập đến khi nào thực sự hối lỗi, chứ còn lúc trên trần gian nó không hối lỗi, ở tù thì nó vẫn tỉnh bơ, không hối hận. Nhưng xuống đến địa ngục rồi trừng phạt cho phải hối hận thì mới thoát. Cho nên địa ngục cũng tái hiện lại cái tù tội của trần gian nhưng ở mức độ chính xác, tinh vi, đầy đủ, công bằng hơn.
Tựu chung, bài thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang muốn khuyên răn con người ta không được làm việc ác, nếu không khi xuống đến địa ngục sẽ phải trả giá, phải chịu những hình phạt khắc nghiệt vì những lỗi lầm đã gây ra.
Nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng, Việt Nam có hệ thống pháp luật chặt chẽ, những người làm việc sai trái, gây hại cho người khác, vi phạm pháp luật đều phải trả giá cho hành vi của mình. Nên không có việc, các cơ quan thực thi pháp luật bị mua chuộc.