Thương mại song phương tăng trưởng vượt trội
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, dẫn số liệu của của cơ quan thống kê Hoa Kỳ (Census), năm 1992 và 1993 chưa ghi nhận số liệu xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ (kim ngạch xuất khẩu 0 USD). Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, vào năm 1995, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều Việt- Mỹ đã đạt 451,3 triệu USD.
Linh kiện điện tử là một trong những mặt hàng xuất khẩu mạnh sang Hoa Kỳ (Ảnh: Cấn Dũng) |
Tiếp sau đó, việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) năm 2000 là một dấu mốc quan trọng, kịp thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khơi dậy tiềm năng, tạo bước ngoặt thúc đẩy giao thương giữa hai nền kinh tế. Sau khi Hiệp định BTA được thực hiện, kim ngạch thương mại song phương, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng trưởng rõ nét. Tốc độ tăng trưởng trung bình kim ngạch thương mại hai chiều giai đoạn 2001-2005 đạt tới 51% mỗi năm, vượt xa kết quả 29% của giai đoạn 5 năm trước đó (1995-2000).
Bứt tốc trong trao đổi thương mại giai đoạn 2001-2005 đã tạo đà cho quá trình tăng trưởng liên tục của kim ngạch thương mại song phương cho đến nay. Nhìn tổng thể chặng đường 25 năm qua, số liệu của phía Hoa Kỳ ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 333 lần, từ 233,4 triệu USD năm 1994 lên 77,5 tỷ USD, vào cuối năm 2019. Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, kết quả ấn tượng này hiếm thấy trong thương mai quốc tế, nhất là trong điều kiện khó khăn như điểm xuất phát thấp, khoảng cách xa xôi, ít ưu đãi thương mại hơn so với các đối tác khác đã ký FTA với Việt Nam.
Tiếp đà tăng của thời gian qua, thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ tăng 7,2%, đạt 7,4 tỷ USD.
Theo quy luật, cùng với quá trình mở rộng về con số kim ngạch là những chuyển biến quan trọng về chất trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia. Nếu những năm 2000, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng nông sản, dệt may, giày dép thì đến nay, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã sinh động hơn, với nhiều màu sắc mới từ các nhóm hàng công nghiệp, chế biến, chế tạo như thiết bị, linh kiện điện tử, sản phẩm cao su, đồ nội thất. Chuyển biến tích cực trong cơ cấu hàng xuất khẩu đã phản ánh rõ sự phát triển của năng lực sản xuất trong nước, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng và tạo đà tăng trưởng bền vững.
Về phần mình, Việt Nam nhập khẩu những nhóm hàng doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế mạnh như máy móc thiết bị, công nghệ cao, nhiên liệu, bông, nông sản của Hoa Kỳ, phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Chung tay tháo gỡ vướng mắc
cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, mặc dù hoạt động giao thương được các doanh nghiệp tiến hành tự do, tự nguyện và phục vụ lợi ích các bên, tuy nhiên, cán cân thương mại mất cân bằng thời gian dài và có xu hướng ngày càng tăng là vấn đề cần lưu tâm. Bên cạnh đó, khó tránh khỏi việc các bên còn có quan điểm khác nhau về một số rào cản kỹ thuật, chính sách bảo hộ gây tranh cãi, trong khi các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều mà một bên có toàn quyền phán quyết. Gần đây, tình trạng gian lận xuất xứ nước thứ ba nổi lên là mối quan tâm chung, dù thực tế này ít nhiều do tác động gián tiếp từ bối cảnh bên ngoài.
Tuy nhiên, điểm đáng mừng là thời gian qua, phía Hoa Kỳ đã ghi nhận tích cực những nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Các biện pháp cụ thể của Việt Nam nhằm cải thiện cán cân thương mại, mở cửa thị trường theo định hướng tổng thể xây dựng quan hệ thương mại hài hòa, bền vững cũng được đánh giá cao. Đây là cơ sở để thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.