Thương mại điện tử dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Để giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát về định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững, cũng như đâu là cơ hội để hàng Việt xuất khẩu đến các thị trường quốc tế thông qua nền tảng thương mại điện tử? Đâu là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới? Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam - đã có chia sẻ với độc giả Báo Công Thương.
Dưới góc độ vận hành một sàn thương mại điện tử lớn, ông có thể chia sẻ sự trưởng thành của hàng Việt thời gian qua, cũng như cơ hội mà thương mại điện tử đã đưa lại cho hàng Việt?
Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam |
Thương mại điện tử là một phần của chuyển đổi số ở trong lĩnh vực bán lẻ. Con số thống kê có trên 20 tỷ USD doanh thu bán lẻ trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam là chưa đầy đủ nhưng qua đó cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có số lượng đơn hàng trên sàn thương mại điện tử rất lớn.
Nếu chúng ta quan sát thì sẽ thấy, thời gian gần đây, một số tuyến phố ngày xưa chuyên bán các mặt hàng thời trang giờ đã không xuất hiện. Ở một số chợ, tiểu thương cũng rất khó khăn, khi mà khách hàng giảm. Một số hàng hóa của Việt Nam, thậm chí những hãng thời trang nội địa đã nổi tiếng nhưng nếu không kịp thời ứng dụng công nghệ nói chung và ứng dụng internet, thương mại điện tử nói riêng thì họ gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì thế, khi triển khai nền tảng ứng dụng TikTok và TikTok Shop tại Việt Nam, việc đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là làm thế nào để hỗ trợ nhà nước, doanh nghiệp và người lao động đứng vững trong công cuộc chuyển đổi sốcủa toàn thế giới. Và làm thế nào để hàng hóa Việt Nam sản xuất ra vẫn đưa đến được người tiêu dùng trong nước và người tiêu dùng nước ngoài.
Từ năm 2023, TikTok đã triển khai chương trình chợ phiên OCOP. Ở chương trình này chúng tôi tổ chức các khóa đào tạo theo đúng cách hướng dẫn, cầm tay chỉ việc. Mỗi thứ 7 tổ chức 1 phiên livestream để giới thiệu nông sản đặc sản của các tỉnh, thành đến với người dùng trên cả nước. Mỗi phiên livestream có thể tiếp cận 5 triệu người, tôi cho như thế là chương trình khá thành công.
Tháng 6/2024, chúng tôi quyết định mở rộng chương trình sang giai đoạn 2 với tên gọi chương trình là Tự hào hàng Việt. Trong đó, chúng tôi phối hợp với các hội như: Hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội như Hội phụ nữ, Hội doanh nhân… với mục tiêu cuối cùng là doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ của người Việt sẽ được hưởng những ưu đãi của nền tảng, bao gồm từ đào tạo, hỗ trợ công tác sau bán hàng, ngay cả các chương trình bán hàng trên nền tảng TikTok Shop…
Trong 6 tháng vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ được hơn 10.000 doanh nghiệp, với hơn 90.000 các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam đăng tải, đưa lên nền tảng TikTok và các hashtag liên quan chương trình như Tự hào Hàng Việt, hay OCOP đã đạt tới con số khủng 6 tỷ lượt tiếp cận, 6 tỷ lượt người xem ở Việt Nam.
Là đối tác lâu năm của Bộ Công Thương trong tổ chức Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia, chúng tôi thấy chương trình có sự lựa chọn rất kịp thời, đó là hỗ trợ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương và đối tác khác giới thiệu nhiều nhất các sản phẩm dịch vụ của người Việt đến với cộng đồng người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thông qua chương trình, chúng tôi cũng xây dựng liên minh không chỉ phía quản lý nhà nước mà còn của hiệp hội ngành nghề như: Hiệp hội thương mại điện tử, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, các doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước… xây dựng một nền thương mại điện tử bền vững và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa. Từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm, bảo vệ người tiêu dùng trong việc lựa chọn dùng được những hàng hóa tốt, chi phí hợp lý, bảo đảm được nguồn thu cho Chính phủ, tái đầu tư để xây dựng các hạ tầng phục vụ nhân dân.
Qua thực tiễn, theo ông, điểm yếu lớn nhất của hàng Việt trong kỷ nguyên số là gì? Mức độ cạnh tranh của hàng Việt trong “cuộc đua” kinh doanh trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới ra sao?
Hàng Việt Nam thì có chất của hàng Việt, có đặc thù của hàng Việt, song do quy mô của doanh nghiệp sản xuất rất nhỏ so với toàn cầu. Các doanh nghiệp nhỏ không đủ nguồn lực để theo kịp với tiến bộ xã hội. Chính vì thế cần sự chung tay của nhà nước, các nền tảng để đào tạo.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhìn thấy rủi ro trong việc không hòa mình vào cuộc chuyển đổi số. Nếu doanh nghiệp bỏ qua chuyển đổi số trong công tác phân phối hàng hóa, quảng bá thương hiệu thì sẽ có ngày người tiêu dùng không biết đến họ nữa.
Qua thực tế, có nhiều doanh nghiệp cho rằng họ sản xuất hàng đặc sản, nhưng thực ra là hàng hóa sản xuất đến đâu thì bán đến đó, họ cũng không phát triển quy mô sản xuất. Như vậy, một lúc nào đó khách hàng không biết đến sự tồn tại của họ. Vì rất nhiều khách hàng giờ đây không có thói quen đến chợ, đến các cửa hàng mà chỉ ngồi trên bàn làm việc và xem hàng hóa trên điện thoại di động. Thói quen của khách hàng diễn ra nhanh, đặc biệt các bạn trẻ đang mất dần thói quen đi mua hàng trực tiếp.
Chưa kể, đến năm 2024 trào lưu mua sắm đi kèm với giải trí. Trong không gian rộng rãi, họ vừa giải trí và xem xét thuyết phục khách mua hàng. Doanh nghiệp phải nắm bắt được xu hướng này để chuyển đổi.
Với những điểm mới từ sự kiện Online Friday 2024, ông kỳ vọng gì về sự lan tỏa hàng Việt trên nền tảng số?
Với vai trò là đơn vị đồng hành cùng Online Friday, năm nay trên TikTok dự kiến có 500 phiên livestream, 3.000 doanh nghiệp tham gia và kỳ vọng có khoảng 5 triệu đơn hàng đến từ các phiên livestream. Bên cạnh đó, từ sự lan tỏa của chương trình đến người tiêu dùng trên cả nước, chúng tôi kỳ vọng có 1 tỷ người tiếp cận, 1 tỷ người xem chương trình.
Xin cảm ơn ông!