Chiều 15/8, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách quản lý về hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu bia”.
Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận về vấn đề khá “nóng” hiện nay đó là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng |
Áp dụng cách tính thuế nào?
Phát biểu tại hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết: Hiện nay, các nước trên thế giới đang áp dụng ba phương pháp tính thuế: Thứ nhất là thuế suất tính trên tỷ lệ % doanh thu chịu thuế; Thứ hai là thuế suất tuyết đối áp dụng trên một đơn vị sản phẩm; Thứ ba là thuế suất tính theo phương pháp hỗn hợp cả tương đối và tuyệt đối.
Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Mại, đa số các nước hiện nay đều đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo phương pháp tuyệt đối, chỉ có Australia, Hàn Quốc, Chi Lê và Mehico áp dụng phương pháp tương đối.
Cũng tại tờ trình của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, các tập đoàn, đơn vị kinh doanh rượu bia hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo, nhưng khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ cần đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp rượu bia phải đối mặt, cần thời gian và sự hỗ trợ của nhà nước mới hy vọng vượt qua.
Bên cạnh đó, GS.TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, cần bảo đảm đa mục tiêu của Thuế tiêu thụ đặc biệt đó là không chỉ thu ngân sách, giảm tác động tiêu cực của rượu bia, mà quan trọng hơn là bảo đảm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng lành mạnh của các tầng lớp dân cư và quan tâm hơn nữa ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trong quá trình xây dựng thể chế, luật pháp, chính sách để bảo đảm tính khả thi.
Trước đó, ngày 4/7/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đã tổ chức Hội thảo về Thuế tiêu thụ đặc biệt, trên cơ sở ý kiến của đại diện doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, chuyên gia, Hiệp hội cũng đã gửi văn bản đến Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị cân nhắc thời điểm điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì việc tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm hiện tại sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương.
Ngành rượu bia đang gặp khó khăn lớn do đại dịch và tác động của việc áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Sản xuất và tiêu dùng bia sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước dịch bệnh.
Theo thống kê, trong quý 1 năm 2023, ngành bia rượu tiếp tục sụt giảm. Trong đó Sabeco giảm 15%, Heineken giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng tình với quan điểm của GS.TSKH Nguyễn Mại, TS.Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giả cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, ngành bia rượu đang ở trong bối cảnh khó khăn chồng chất.
Năm 2022 Việt Nam tiêu thụ 3,8 triệu lít bia, chiếm 2,2% thị trường thể mới, đứng đầu ASEAN, đứng thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản về mức tiêu thụ ba. Có dự báo cho rằng ngành bia Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kép 11%/năm trong giai đoạn 2023 – 2026 nhờ sự hồi phục của du lịch kinh tế sau Covid 19. Tuy nhiên, sản lượng ngành bia quý 1 năm 2023 giảm khoảng 15% so với quý IV/2022.
Khuyến nghị lùi thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đến 2026
Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) đưa ra kiến nghị chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất cho đến năm 2025. Bên cạnh đó cần ấn định chính cách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vụ qua khó khăn và phục hồi.
PGS.TS. Phan Đăng Tuất - Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bia rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phân tích 5 lý do vì sao không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tuyệt đối hay hỗn hợp lên mặt hàng bia tại Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng |
PGS.TS. Phan Đăng Tuất - Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bia rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho rằng, xét về góc độ đóng góp cho nền kinh tế, trung bình mỗi năm các nhà máy sản xuất bia đóng góp ngân sách cho địa phương từ 50 – 56.000 tỷ đồng; giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 79.000 lao động. Đi cùng với sự phát triển của ngành đồ uống có cồn là hệ sinh thái trong lĩnh vực nông nghiệp, kho vận, cơ khí, sinh hoá, bao bì, dịch vụ... và số lượng lao động làm trong các lĩnh vực này liên quan tới ngành rượu, bia lên tới hàng triệu người.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp đồ uống, việc tăng thuế sẽ càng đầy các doanh nghiệp và toàn ngành hàng nói chung vào tình thế khó khăn.
“Vì vậy, thời điểm hiện tại vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần được cân nhắc kỹ hướng, nên đặt vấn đề "nên hay không tăng thuế thời điểm hiện tại” hay nên để một thời gian nữa, khi doanh nghiệp đã qua giai đoạn khó khăn rồi hãy tính” - PGS.TS. Phan Đăng Tuất đề xuất.
PGS.TS. Phan Đăng Tuất cũng phân tích 5 lý do vì sao không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tuyệt đối hay hỗn hợp lên mặt hàng bia tại Việt Nam.
Thứ nhất, về mặt học thuật, thuế là chỉ tiêu giá trị thì phải dùng giá trị để đánh, không thể dùng sản lượng.
Ở nước ta, giữa một cốc bia giá cao nhất và thấp nhất có thể chênh nhau lên tới 30-40 lần, nếu áp dụng thuế theo sản lượng sẽ dẫn tới hiệu quả là các doanh nghiệp sản xuất bia giá thấp bị thua thiệt so với các doanh nghiêp sản xuất bia giá cao. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp.
Thứ hai là vấn đề lợi ích của người tiêu dùng. Hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay đang thấp, trong khi 80% thị phần tiên thụ là các loại bia phổ thông và bia địa phương (giá rẻ). Nếu nhóm sản xuất này bị triệt tiêu thì người tiêu dùng Việt Nam cũng không còn cơ hội sử dụng sản phẩm bia.
Thứ ba là nguy cơ xảy ra độc quyền. Khi áp dụng thuế tuyệt đối, bia giá cao xét trong tương quan với bia giá rẻ sẽ giảm giá, còn bia giá thấp lại tăng giá và bị thu hẹp sản xuất. Thị phần bia giá cao cũng vì thế sẽ tăng lên và chiếm lĩnh. Do vậy, với nền kinh tế đang phát triển và việc có sự chênh lệch giá bia quá lớn như Việt Nam hiện nay thì đánh thuế theo sản lượng là bất cập.
Thứ tư, các doanh nghiệp "chết" sau khi thuế tăng cũng sẽ kéo theo ngân sách Nhà nước thất thu. PGS.TS. Phan Đăng Tuất khẳng định rằng, nếu áp dụng phương pháp tính thuế theo sản lượng thì ngân sách nhà nước sẽ thất thu thuế thay vì tăng thu.
Thứ năm, PGS.TS. Phan Đăng Tuất cũng đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội khi cho rằng hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để thay đổi chính sách cơ bản thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, xét cả trên phương diện kinh tế và xã hội. “Thời điểm thích hợp có thể nghiên cứu, điều chỉnh là nên để doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua "đáy”, qua giai đoạn trầm lắng đến khoảng năm 2026 hãy bàn tới xem có tăng thuế hay không” - Ông Tuất đưa ra khuyến nghị.