Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô trong nước |
Tác động nhiều chiều
Tại Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt diễn ra sáng ngày 5/7 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, đại diện nhiều đơn vị liên quan, chuyên gia đều chung đánh giá việc áp dụng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ở thời điểm này là chưa hợp lý, có tác động tới nhiều đối tượng và ngành kinh tế.
Theo đại diện VCCI, Dự án Luật có tác động cả tích cực và không tích cực. Về mặt tích cực, Dự án Luật giúp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Giá của sản phẩm đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới và dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng sẽ tăng thêm tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Qua đó định hướng tiêu dùng, góp phần giảm tác hại của đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới, từ đó nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Đối với sản xuất, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá bán sản phẩm, từ đó có thể làm giảm sản lượng hàng hóa tiêu thụ nhưng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi thành phần, công thức sản phẩm, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đối với ngân sách Nhà nước, số thu ngân sách tăng do đây là các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mới bổ sung.
Tuy nhiên ở khía cạnh không tích cực, việc thực hiện đánh thuế đối với các hàng hóa, dịch vụ sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ này và qua đó sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, kinh doanh trong nước. Trong thời gian đầu thực hiện chính sách có thể làm tăng thủ tục hành chính đối với cơ quan quản lý thuế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chịu thuế.
Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt |
Trên cơ sở nghiên cứu tác động của Dự án Luật đối với ngành hàng nước giải khát, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nếu được áp dụng thời điểm này sẽ khiến giá trị sản xuất của 21 ngành hàng liên quan giảm, tương ứng con số 0,008%.
Theo Dự án Luật, tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% khiến tổng thu ngân sách giảm 188,7 tỷ đồng; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 0% lên 10% tổng thu ngân sách giảm 880,4 tỷ đồng.
Ở cấp độ vĩ mô, tác động của việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là không nhỏ khi các chỉ số kinh tế đều bị ảnh hưởng tiêu cực: Tổng giá trị tăng thêm nền kinh tế giảm 0,135%; GDP giảm 0,115%; thu nhập người lao động giảm 0,155%; thặng dư sản xuất giảm 0,083%...
Theo đại diện CIEM, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn như hiện nay việc áp thêm trách nhiệm thuế cho doanh nghiệp là chưa hợp lý. Chưa kể tới việc Dự án Luật này còn ảnh hưởng tới ngành mía đường nội địa và kế sinh nhai của 300.000 hộ gia đình trồng mía.
Bày tỏ ý kiến trước cơ sở tăng nguy cơ béo phì đối với sản phẩm nước giải khát có đường để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, PGS. TS. bác sĩ Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, thông tin: Có nhiều nguyên nhân gây béo phì và chưa có nghiên cứu nào tìm thấy mối liên quan duy nhất giữa tình trạng béo phì với nước giải khát có đường.
Doanh nghiệp đề xuất gì?
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đồng tình cho rằng, việc áp dụng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ở thời điểm này chưa phù hợp. Đại diện cho ngành được nhận định sẽ chịu nhiều tác động, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu, Bia, Nước giải khát Việt Nam, bày tỏ: Các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tăng giá của nguyên vật liệu và nhiên liệu như xăng dầu, khí đốt tự nhiên cũng như sự đứt gãy chuỗi cung ứng nên rất khó khăn.
Hơn nữa, trong hoàn cảnh các doanh nghiệp mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/1/2024 và với đề xuất áp dụng sắc thuế mới thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.
Nước giải khát có đường là một trong những sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh minh hoạ |
Khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt giá thành sản phẩm tăng lên, người tiêu dùng có thể lựa chọn sử dụng sản phẩm thay thế có chứa chất tạo ngọt ngoài đường, như vậy mục tiêu thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng bảo vệ sức khoẻ người dân chưa chắc đã đạt được.
“Mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là tăng thu ngân sách và điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, tuy nhiên với những phân tích đã đưa ra có thể thấy rằng mục tiêu này rất khó có thể đạt được”, ông Việt nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Khánh Nguyên - Phó Tổng giám đốc đối ngoại Coca-Cola Việt Nam cho biết: Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát có đường tuy nhiên đã phải từ bỏ do không hợp lý và không đạt mục tiêu kỳ vọng.
Trong một vài năm tới gánh nặng tài chính của doanh nghiệp sẽ là rất lớn bởi phải đầu tư đáp ứng các quy định về sản xuất xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính… việc áp dụng thêm trách nhiệm thuế cho doanh nghiệp sẽ khiến doanh nghiệp khó chồng khó.
Phản ánh mong muốn chung của các doanh nghiệp bia, nước giải khát, ông Nguyên đề xuất: Quốc hội, Chính phủ xem xét thời điểm ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi trong bối cảnh hiện tại thêm một trách nhiệm thuế không chỉ là gánh nặng mà là vấn đề tồn tại của doanh nghiệp.
Trò chơi trực tuyến (game online) - một trong số đối tượng được đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại hội thảo, doanh nghiệp trong lĩnh vực này phản ứng khá gay gắt. Nguyên do, đây là ngành còn rất non trẻ, ở trong giai đoạn cần khuyến khích phát triển, đặc biệt đang chịu cạnh tranh rất quyết liệt từ các "ông lớn" nước ngoài.
Lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNGGames, chia sẻ: Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp giảm 12% so với năm 2021, tổng số thuế mảng game năm 2022 nộp cho ngân sách nhà nước là khoảng 758 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021 (khoảng 883 tỷ đồng). Số lượng nhân viên mảng sản xuất và kinh doanh game năm 2022 giảm 11% xuống còn 1.132 người và năm 2023 tiếp tục giảm xuống còn khoảng 980 người (giảm 13%).
“Nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ VNGGames mà các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trò chơi trực tuyến Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép, dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính… sẽ trở nên rất nặng nề”, ông Thắng cho hay.
Chung quan điểm của đại diện VNGGame, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến đề xuất không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.
Trước ý kiến của doanh nghiệp về Dự án Luật, tại hội thảo, bà Thái Quỳnh Mai Dung - đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là dự án rất quan trọng ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Việc sửa đổi là cần thiết bởi luật phải phù hợp với bối cảnh và sức phát triển của nền kinh tế.
Trước khi luật được đưa ra Quốc hội sẽ được các cơ quan liên quan lấy ý kiến đóng góp rộng rãi và cân nhắc thời điểm phù hợp ban hành. Do vậy, bà Dung cũng khuyến nghị: Ý kiến đóng góp của doanh nghiệp phải dựa trên kết quả nghiên cứu mang tính khoa học rõ ràng, như vậy mới có thể căn cứ để các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá, tiếp thu.