Thưa ông, việc Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiệp định EVFTA sau 10 năm đàm phán mang lại cơ hội gì cho nền kinh tế của Việt Nam?
EU là một trong 3 thị trường lớn và rất quan trọng với Việt Nam. Mặc dù là thị trường lớn nhưng thời gian qua, quy mô xuất khẩu của Việt Nam - EU chưa tuong xứng với tiềm năng. Thị trường EU có hơn 500 triệu dân với kim ngạch nhập khẩu hằng năm ước đạt khoảng 2.338 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt 42 tỷ USD, chiếm khoảng 2%. Chính vì vậy, tiềm năng tại thị trường này còn rất lớn. Trong bối cảnh đó, EVFTA được đưa vào thực thi sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển |
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được nhập khẩu nhiều dòng máy móc, thiết bị tốt hơn bởi Liên minh châu Âu là những nước tiên tiến, có sự đầu tư công nghệ cao. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển theo công nghệ 4.0, nên thị trường này vừa là nguồn cung cấp vừa là bạn hàng đầu tư lớn cho lĩnh vực này.
Không chỉ trong hoạt động xuất nhập khẩu, EVFTA còn đem lại cơ hội trong thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm… và đặc biệt là nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường thế giới.
Vậy thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp khi hiệp định EVFTA thực thi là gì, thưa ông?
Mặc dù đem lại nhiều lợi ích, song EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức. Thứ nhất là về các rào cản kỹ thuật. EU là thị trường khó tính, nên các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc với nông sản hay những quy tắc xuất xứ với các sản phẩm dệt may, da giày… Các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được quan tâm là Global GAP, mức dư lượng tối đa cho phép…
Thứ hai là việc cạnh tranh giữa các sản phẩm và doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Khi hiệp định có hiệu lực, thị trường Việt Nam sẽ là thị trường mở, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư, dịch chuyển sản xuất và cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt trên chính sân nhà. Nếu doanh nghiệp không có những bước chuyển mình nhanh chóng thì không những không nắm được cơ hội mà còn bị những thách thức dội vào nặng nề hơn.
EVFTA tạo cơ hội cho thủy sản xuất khẩu vào EU |
Theo ông, các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội từ EVFTA như thế nào?
Do EU là thị trường khó tính với nhiều hàng rào kỹ thuật cao, nên để tận dụng được những lợi thế, tăng cường xuất khẩu các doanh nghiệp phải xác định thế mạnh sản phẩm của mình, xác định được nhu cầu thị trường. Đồng thời nâng cao nội lực doanh nghiệp thông qua hệ thống máy móc, kỹ thuật, trình độ lao động và nguồn vốn. Thị trường EU rất đề cao các yếu tố về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động, vì thế, các doanh nghiệp phải chú ý điều này.
Cùng với đó, doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ nên phải nâng cao khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp cũng như giữa Việt Nam với các nước khác để tạo thành chuỗi cung ứng tốt, và có kế hoạch sản xuất lâu dài. Ở giai đoạn đầu xuất khẩu, doanh nghiệp có thể chưa có lợi nhuận do đơn hàng nhỏ và giá thành sản xuất cao. Tuy nhiên về lâu dài, khi doanh nghiệp khẳng định được chất lượng sản phẩm, có thị trường ổn định, doanh nghiệp sẽ có điều kiện cải thiện năng suất, chất lượng. Từ đó, quy mô sản xuất sẽ tăng dần lên. Như vậy các doanh nghiệp phải có thời gian từ 3 - 5 năm để thành công chứ không phải cứ có hiệp định là đẩy ào xuất khẩu qua.
Để thực thi EVFTA có hiệu quả, theo ông, các bộ ngành cần triển khai những vấn đề trọng yếu nào?
Có thể nói rằng, 10 năm qua Chính phủ, trong đó có vai trò lớn của Bộ Công Thương, đã rất nỗ lực để tạo ra "con đường cao tốc" và "bấm nút thông xe", tuy nhiên để đoàn xe vận hành tốt thì cũng cần sự nỗ lực phối hợp đồng bộ giữa nhiều bên, bao gồm cả doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan chức năng.
Thực tế, trong thời gian qua, các hiệp hội, ngành nghề cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên tính chủ động chưa cao, chưa thật sự là cầu nối của các doanh nghiệp với thị trường thông qua các hoạt động marketing, xúc tiến thương mại. Vì vậy, trong thời gian tới, phòng thương mại, hiệp hội ngành nghề cũng phải phối hợp đồng bộ với Bộ Công Thương để tạo được những cầu nối tốt cho doanh nghiệp.
Về hoạt động phổ biến, tuyên truyền, Bộ Công Thương nên phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, tổ chức riêng các buổi hội thảo để các nội dung đi vào chiều sâu, cụ thể theo từng nhóm hàng, doanh nghiệp để việc thực thi được hiệu quả hơn. Đồng thời, hệ thống thể chế cũng cần nhiều thay đổi trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh để làm yên tâm các nhà đầu tư từ EU và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!