Thực phẩm nhiễm độc đang ở mức nghiêm trọng
Nguy hiểm từ thực phẩm:
Tọa đàm do Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, Sở Công Thương và Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh, Công ty CHG, Cổng truyền thông Chống hàng giả Việt Nam (chg.vn) phối hợp tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai tại các quốc gia đang phát triển, ước tính mỗi năm có 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn. Tại Việt Nam có tới 400 các bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là các bệnh tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm…. Tỷ lệ mắc bệnh giun, sán ước có hơn 60 triệu người...
“Thực phẩm hiện rất đa dạng, các chất phụ gia thực phẩm, chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất phụ gia ngoài danh mục cho phép cũng rất đa dạng mà người sản xuất, chế biến do cố tình hay thiếu hiểu biết cho thêm vào đang rất phổ biến trên thị trường” bác sĩ Mai chia sẻ.
Bác sĩ Trần Văn Ký phát biểu tại buổi tọa đàm " Người tiêu dùng và nổi lo về an toàn và sức khỏe khi mua sắm, tiêu dùng" |
Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) cảnh báo, hiểm họa ung thư từ thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia đang là thảm họa và cần có chiến lược phòng tránh cho cả cộng đồng. Thế giới hiện có hơn 3.000 phụ gia thực phẩm được sử dụng trong sản xuất, chế biến, bảo quản, một ít trong số đó được biết là nguyên nhân gây ung thư. Các phụ gia được coi là an toàn khi dùng riêng rẽ. Thế nhưng hiếm có thực phẩm nào chỉ dùng một loại phụ gia duy nhất mà nhiều thực phẩm sử dụng hàng chục loại phụ gia khác nhau. Điều này có thể phát sinh ra những chất độc hại do phản ứng hóa học hay do tác động vật lý.
Bác sĩ Ký bức xúc, chỉ có hạt bắp rang đen rồi xay, cho thêm màu caramel, hương cà phê, chất tạo đắng, chất tạo độ dính, chất chống mốc, chất chống vón là được ngay một sản phẩm cà phê hấp dẫn mà không cần hạt cà phê nào. Bộ Y tế nước ta quy định: những chất phụ gia đã được nghiên cứu kỹ và xác định không độc, cho phép dùng trong thực phẩm mới được sử dụng trong chế biến phụ gia và chế biến thực phẩm, còn các chất khác chưa được xác định tác dụng độc hại phải nghiêm cấm. Tuy nhiên tình trạng quản lý sản xuất, kinh doanh, chế biến phụ gia thực phẩm hiện nay đang bị thả nổi, rõ ràng sức khỏe của cả cộng đồng đang bị đe dọa.
Người tiêu dùng tự cứu mình
Sản phẩm máy khử độc thực phẩm Z755 của Công ty Thông tin điện tử Z755 (Bộ Quốc phòng) gần đây trở thành mặt hàng bán chạy vì giá rẻ, dễ sử dụng và hiệu quả trong việc tẩy chất độc ra khỏi thực phẩm |
Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Danh chỉ ra hàng loạt những bất cập dẫn đến thực phẩm mất an toàn vệ sinh, trong đó nặng nhất là khâu quản lý của cơ quan chức năng. Theo ông Danh, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm còn thiếu, chồng chéo, chậm hướng dẫn, sửa đổi. Cơ quan thực thi phân công chồng chéo, trình độ hạn chế, kiêm nhiệm. Tổ chức chính trị xã hội (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…) thiếu và yếu (do không có kinh phí để hoạt động). Người tiêu dùng thiếu kiến thức pháp luật, thiếu thông tin về sản phẩm, khi trở thành nạn nhân của sự lừa đảo về thực phẩm bẩn thì ngại tố cáo, khiếu nại. Nhà sản xuất chậm đổi mới, không áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất.
Để giảm tổn hại sức khỏe của người tiêu dùng, ông Danh đề xuất ngoài hoàn thiện nhanh hệ thống pháp luật phù hợp với tình hình thực tế cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật bằng mọi hình thức, giúp người dân kỹ năng nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tổng giám đốc Công ty CHG Nguyễn Viết Hồng cho hay, hiện có khoảng 400 công ty sản xuất, chế biến thực phẩm đặt hàng CHG dán tem chống giả lên sản phẩm để tránh hàng giả như một cách để bảo vệ người tiêu dùng.
Về phần mình, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức tiêu dùng bằng cách mua sản phẩm ở những địa chỉ bán uy tín, rõ ràng, không mua những thực phẩm giá rẻ bất thường. Thêm đó trong tình hình hiện nay nên dùng các phương tiện hỗ trợ để loại chất bẩn ra khỏi bữa ăn cho gia đình.