Nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số: Doanh nghiệp thực sự cần gì? Giá đất phải đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế |
Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 6/11 trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIV.
Toàn cảnh phiên họp sáng 6/11 (Ảnh: Quochoi.vn) |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ: Theo Chương trình Kỳ họp và thực hiện kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội 19 Báo cáo đầy đủ (dài 1.337 trang) về kết quả thực hiện 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến Kỳ họp thứ 4.
Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA)
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện, ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và đang tập trung hoàn thiện Kế hoạch thực hiện; kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các đập, hồ chứa thủy điện.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: “Thời gian qua đã phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia đầu tư vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trình bày báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiệu quả cao; kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng năm 2023 đạt 43,08 tỷ USD, xuất siêu 9,3 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2023 đạt 43 triệu tấn lúa, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô. Kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư, quản lý và phát triển rừng.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ thẻ vàng IUU, kết quả được Ủy ban Châu Âu ghi nhận tích cực hơn.
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được kịp thời, không để người dân thiếu đói, không có nơi ở. Đã hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để xử lý các khu vực sạt lở nghiêm trọng, cấp bách vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hoàn thành vượt chỉ tiêu 3.000 km đường cao tốc
Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400 nghìn tỷ đồng.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII.
Theo đó, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý phát triển đô thị, xây dựng, quản lý nhà và thị trường bất động sản. Phê duyệt, tích cực triển khai Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành nhà chung cư…
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo tổng kết, hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi); đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất, tình trạng chậm đưa đất đai vào sử dụng ở các địa phương đã có chuyển biến tích cực.
Cùng với đó, đã ban hành Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 7 quy hoạch lưu vực sông. Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch khó, nhạy cảm, đang được tập trung xây dựng, hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, nhất là kiểm soát môi trường, nước thải ở các khu công nghiệp, làng nghề, các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm các lưu vực sông. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt khoảng 96% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%).
Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến Kỳ họp thứ 4, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Trong lĩnh vực công thương, các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản được ban hành; các giải pháp bảo đảm cung ứng điện được quan tâm thực hiện. Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa được quan tâm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội còn nêu rõ một số kết quả đạt được trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông, lao động, thương binh và xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, an ninh, trật tự, an toàn xã hội...
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu như vậy, tuy nhiên Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công của một số dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng năng lượng và giao thông còn chậm; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy định về hoạt động lấn biển. Việc phát triển đô thị thông minh còn hạn chế; thị trường bất động sản còn khó khăn. Chất lượng môi trường ở một số nơi còn chậm được cải thiện; kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông, đô thị còn những bất cập…