[Longform] Tam Chúc – Điểm hẹn mùa xuân |
Nét văn hóa tốt đẹp
Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt. Đi chùa để hướng về cõi Phật, cầu cho bản thân và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, cầu quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt. Đi lễ chùa ngoài việc giúp cho con người giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn ghi nhớ công ơn ông bà, tổ tiên, nhằm hướng tới chân - thiện - mỹ trong cuộc sống, để làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội.
Đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp |
Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - cho hay, nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân là chính đáng. Việc đến với các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng như đình, đền, chùa đầu năm giúp cho mỗi người có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, giúp an tâm hơn để đương đầu với những khó khăn có thể xuất hiện trong cuộc sống, từ đó tạo động lực tinh thần cho mỗi người. Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thỏa mãn những nhu cầu tinh thần chính đáng này.
Theo các nhà nghiên cứu, lễ chùa là một trong những nét đẹp văn hóa mà dân gian ta đã gìn giữ và lưu truyền hàng nghìn năm nay. Phong tục lễ chùa đầu xuân tuân theo quy luật của tự nhiên “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa xuân sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa…). Trong sự chuyển vận tự nhiên của vạn vật, đất trời, thì việc lễ chùa vào mùa xuân vừa là khởi đầu của một năm, vừa là khởi đầu của sự sống.
Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Đinh Hồng Hải cho rằng, lễ chùa đầu năm xuất phát từ một lễ hội từ thời cổ đại ở Trung Quốc gọi là lễ thượng tị, có đặc điểm giống lễ té nước, tắm gội (thanh tẩy) của người Thái cũng như nhiều tộc người khác ở Đông Nam Á và nam Trung Quốc được thực hiện vào giai đoạn đầu năm. Lễ hội này sau được thay bằng Tết Thanh minh, là dịp nam thanh nữ tú vui chơi, du xuân cùng nhau. Khi vào Việt Nam, các nghi lễ của thanh minh - du xuân vẫn được giữ nguyên và có một số thay đổi trong giai đoạn hiện nay. Du xuân trong Tết thanh minh, người ta có thể đi chùa, đền, phủ hoặc đến bất cứ nơi nào đem lại cảm giác thanh thản, thư thái để chuẩn bị cho một năm làm việc mang lại kết quả như ý muốn. Đây là một trong những đặc trưng của du xuân hiện nay.
Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, người dân có thể đi lễ chùa đầu xuân từ giữa tháng Chạp vì các chùa, đền, phủ thường làm lễ tất niên vào đầu tháng 12 (từ mùng 5 đến mùng 10) theo quan niệm các nhà chùa không muốn “đóng cửa” vào ngày Tết. Với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ, người đi lễ chùa là để sám hối những việc làm sai, tu tâm, dưỡng đức, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc mưu sinh.
Hiện nay cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, bình quân mỗi ngày, cả nước có gần 30 lễ hội. Trong đó, lễ hội lịch sử cách mạng chiếm 4%, lễ hội tôn giáo chiếm 16%, lễ hội dân gian truyền thống chiếm tới 80% và chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Các lễ hội vào mùa xuân tổ chức nhiều nhất so với các mùa khác trong năm và diễn ra trên khắp các vùng miền của cả nước.
Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay, việc tổ chức lễ hội không chỉ là cách chúng ta thực hiện nghi lễ truyền thống mà còn là cách chúng ta tái tạo ý nghĩa và trao truyền cho các thế hệ tiếp sau các giá trị truyền thống trong một thời điểm đặc biệt là Tết. Mục đích quan trọng nhất của việc tham gia lễ hội là chúng ta có được một tinh thần thanh thản, có thêm động lực tinh thần tốt để chuẩn bị cho một năm có thể có rất nhiều khó khăn đang chờ đón.
Các lễ hội truyền thống được tổ chức phù hợp với bối cảnh mới |
Thích ứng với tình hình mới
Tuy nhiên, hai năm qua, dịch Covid-19 thực sự đã làm thay đổi thế giới, trong đó có cả thực hành tín ngưỡng, tâm linh. Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 thực sự tạo ra một khủng hoảng đối với toàn nhân loại, mà hầu như tất cả các quốc gia đã đều đặt mình trong tình trạng thời chiến. Do đó, việc đầu năm đi lễ chùa, tổ chức hay tham gia các lễ hội và những thói quen nhất định có thể có những thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các nhà nghiên cứu văn hóa khác cũng cho rằng, dù mọi người đều mong muốn được đi lễ đầu năm mong cầu những điềm tốt lành trong năm mới. Nhưng thay vì không được đến chùa, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện bái vọng. Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Hải cho rằng, trong tất cả các tôn giáo tín ngưỡng, bái vọng là rất phổ biến. Việc không đến được chùa, không làm lễ trực tiếp, bái vọng có ý nghĩa tương tự vì suy cho cùng thì Phật ở trong tâm.
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất các địa phương nghiên cứu, xem xét tổ chức, hoặc tạm dừng một số lễ hội để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, chúng ta cần phải xem dịp tạm dừng tổ chức lễ hội là nhằm giữ an toàn cho cộng đồng, đồng thời đây như là một sự thể hiện trách nhiệm đối với đất nước.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đạo Phật luôn quan niệm “Phật tại tâm”, vì thế khi chúng ta sống vì người khác, cho người khác, tinh thần chúng ta sẽ hướng thiện nhiều hơn, thoải mái hơn, và đó chính là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất mà chúng ta làm được cho mọi người. “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng, tu tâm, hướng thiện, nghĩ nhiều hơn về người khác là cách thức tốt nhất để những điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta. Cuộc sống rồi sẽ sớm trở lại bình thường bằng nỗ lực của mỗi chúng ta, và khi đó, chúng ta sẽ lại có điều kiện tốt hơn để thực hành nghi lễ truyền thống, chia sẻ niềm vui trong những dịp lễ hội và khi Tết đến xuân về”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.