![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường khối Nam Mỹ luôn tăng 30-40%/năm, sản phẩm ngày càng được ưa chuộng và có khả năng cạnh tranh cao. Với quy mô dân số lớn khoảng 600 triệu người, GDP đạt 6.000 tỷ USD, Nam Mỹ được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn cho DN Việt Nam mở rộng khai thác.
Tuy nhiên do khoảng cách về địa lý quá xa, chi phí vận tải cao, thể chế pháp luật và tập quán kinh doanh khác biệt khiến không ít DN Việt Nam gặp khó khi khai thác thị trường Nam Mỹ.
Nói về điều này, bà Lê Thị Vân Anh - Giám đốc Công ty CP Sản xuất nông sản Thành Đạt - cho hay: Năm 2014 thông qua trung gian, Thành Đạt có thực hiện một đơn hàng xuất khẩu hạt điều với thị trường Nam Mỹ, đó là khách hàng đầu tiên từ thị trường này. Sau khi tìm hiểu thông tin, DN đã ký kết hợp đồng và thực hiện đơn hàng. Tuy nhiên, khi hàng về đến Nam Mỹ đã xảy ra tình trạng đối tác thanh toán chậm, kéo dài tới 3 tháng. Thành Đạt đã liên hệ với cảng sở tại để thu hồi số hàng hóa trên nhưng không có hồi đáp. Từ đó cho đến nay, DN tạm dừng tìm kiếm cũng như hợp tác với các đối tác từ khối thị trường này.
Chia sẻ với khó khăn của DN, ông Trần Đình Văn - nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Chi Lê - cho biết: Khó khăn nhất của DN khi xâm nhập thị trường Nam Mỹ hiện nay là vận chuyển xa, cước phí lớn và thiếu thông tin về thị trường. Các nước Nam Mỹ chủ yếu sử dụng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh đã bắt đầu được dùng trong giao dịch nhưng còn rất hạn chế, đây cũng là rào cản lớn với DN Việt Nam.
Để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN. Hoạt động XTTM lấy vấn đề hiệu quả làm trọng tâm, ủng hộ và đầu tư kinh phí cho các DN thực sự quan tâm đi nghiên cứu và quan sát thị trường. Về phía DN, nên tận dụng hệ thống thương vụ của Việt Nam tại Nam Mỹ để tìm hiểu thông tin, thủ tục hải quan, phương thức thanh toán phù hợp với từng chủng loại mặt hàng.