Kinh tế xanh - Tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững |
Sự chuyển đổi mang tính đột phá
Theo báo cáo từ Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại hội nghị Tổng kết Tháng Năng lượng tái tạo năm 2021 do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức mới đây, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hoá thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0". Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhận định: Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái. Cùng với đó, các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển từ dựa trên năng lượng hoá thạch, sử dụng nhiều tài nguyên sang mô hình phát triển theo hướng ít phát thải. Đây cũng là xu hướng chung toàn cầu.
Với cam kết tại COP26, Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế toàn cầu về phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải |
Đưa ra nhận định thêm, bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cũng cho rằng, tham vọng của Việt Nam đến năm 2050 sản lượng điện năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện lớn sẽ chiếm 90% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 và đã bắt đầu thực hiện cam kết ngay sau COP26.
“Tuy nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính để đạt phát thải ròng bằng “0” là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, đòi hỏi nỗ lực liên tục, kiên định và sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và toàn dân; cần sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động, bảo đảm hài hòa lợi ích và tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia” – bà Hạnh nêu quan điểm.
Như vậy, có thể thấy, với cam kết tại COP26, Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu về phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải. Cam kết đưa phát thải ròng về “0” đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển.
Thúc đẩy xu hướng chuyển dịch đầu tư
Cơ hội là rất lớn, song các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn lực trong nước rất thiếu, nguồn lực nước ngoài dồi dào nhưng khó vào Việt Nam do vướng cơ chế, thủ tục hành chính; nguồn nhân lực trong nước hiện chưa đáp ứng để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.
Bà Đặng Hồng Hạnh chỉ ra, các kịch bản giảm phát thải tham vọng tới 2050 trong các ngành và tiểu ngành sẽ dựa trên các công nghệ giảm phát thải khả thi hiện nay, vẫn còn khoảng 238 triệu tấn giảm phát thải cần đạt được để đạt mục tiêu Net-Zero, kể cả với các kịch bản tham vọng trong các ngành phát thải khí nhà kính.
“Trong tương lai, cần sự đột phá về công nghệ sản xuất điện năng và lưu trữ điện năng quy mô lớn để bảo đảm tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 90% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Đồng thời nguồn năng lượng mới ở quy mô công nghiệp (hydro xanh từ năng lượng tái tạo sử dụng thay thế cho giao thông..., các công nghệ lưu trữ và hấp thụ carbon khả thi với quy mô lớn” – bà Hạnh kiến nghị giải pháp.
Góp ý thêm, theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Điện lực, đẩy nhanh lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh, đưa cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo và khuyến khích khu vực tư nhân, bao gồm cả khu vực tài chính ngân hàng để phát triển năng lượng xanh, tái tạo được xem là giải pháp quan trọng để hướng tới phát thải bằng 0.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia kinh tế cao cấp, Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) chia sẻ, cần hướng tới xây dựng Luật Năng lượng xanh (gồm cả năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng) tạo khung pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển năng lượng xanh, tái tạo ổn định thì mới huy động được tài chính xanh cho năng lượng xanh, tái tạo; từ đó mới thực thi được cam kết Net-Zero và giảm điện than của Việt Nam.
Đồng thời, cần chuyển đổi chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo từ cơ chế giá ưu đãi FIT sang cơ chế đấu thầu đổi mới sáng tạo. Tức là đấu thầu khoản khuyến khích của nhà nước cho năng lượng tái tạo theo điều kiện thị trường, trong đó khuyến khích cao hơn đối với hệ thống năng lượng tái tạo tích năng. Cùng với đó, có các chính sách ưu đãi cụ thể nhằm khuyến khích các công cụ tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh để phát triển năng lượng xanh, tái tạo.
Để mục tiêu giảm phát thải được nhanh chóng hiện thực hoá, theo ông Phạm Văn Tấn, cần tiếp tục khơi dậy tiềm năng, huy động và tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường carbon; thúc đẩy xu hướng chuyển dịch đầu tư cho các ngành kinh tế xanh, carbon thấp sử dụng hợp lý nguồn lực của nhà nước, phát huy nguồn lực của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân
“Về vấn đề này, Cục Biến đổi khí hậu mong tiếp tục nhận được hợp tác, đồng hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng và lâu dài này”, ông Tấn thông tin.
Các chuyên gia cũng cho biết, để hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP26, ngoài các cơ chế để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cần yêu cầu, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng chuyển đổi danh mục đầu tư hay cho vay để đạt Net-Zero vào năm 2050.