Thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc ITPC cho biết Ba Lan - một quốc gia nằm ở khu vực Trung Âu với dân số gần 38 triệu người, có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đứng hàng đầu châu Âu. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng gần 60% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 1,33 tỷ USD tăng gần 72%.
Hội thảo “Tiềm năng Đầu tư - thương mại giữa DN Việt Nam và Ba Lan” |
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan như thủy sản, hàng dệt may, sản phẩm từ chất dẻo, ngũ cốc, cà phê, giày dép các loại… Hiện nay, Ba Lan cũng đang có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như gạo, nông sản, dầu ăn, thực phẩm hữu cơ, sản phẩm tốt cho sức khỏe... từ Việt Nam.
Đến nay, ITPC và Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của hai quốc gia.
Ông Piotr Harasimowicz - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá thương mại và đầu tư giữa Ba Lan và Việt Nam thời gian qua phát triển tốt. Ba Lan sản xuất hơn 3 tỷ USD dược phẩm hàng năm và là nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất ở Trung Âu, thứ 6 trong EU và thứ 22 trên thế giới. Hơn 8% tổng xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam là dược phẩm. Khoản đầu tư lớn nhất của Ba Lan vào Việt Nam cũng từ một công ty dược phẩm.
Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp
Ông Piotr Harasimowicz cho biết thêm cả Việt Nam và Ba Lan đều là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông sản cũng là lĩnh vực chính của thương mại song phương. Việt Nam xuất sang Ba Lan 226 triệu USD (chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Ba Lan); từ Ba Lan xuất vào Việt Nam 132 triệu USD (chiếm 48% tổng xuất khẩu của Ba Lan vào Việt Nam).
Việt Nam đang tập trung cải tiến công nghệ nông nghiệp, bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc. Ba Lan nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ châu Âu mà những sản phẩm này được sản xuất tại Việt Nam (gạo, trái cây họ cam quýt, chuối, thuốc lá, dầu dừa,...). Các sản phẩm sữa là một trong những nhóm sản phẩm xuất khẩu lớn nhất từ Ba Lan đến Việt Nam. Việc nhập khẩu và sản xuất trong nước các sản phẩm sữa tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới - ông Piotr Harasimowicz nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng trưởng trung bình 24% mỗi năm, được dự báo sẽ đạt 10 tỷ USD giá trị vào năm 2020. Ông Piotr Harasimowicz đáng giá công nghệ số ở Việt Nam hiện nay ứng dụng cho thương mại hàng hóa nhiều hơn, các dịch vụ khác có tiềm năng rất lớn để phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số là giáo dục, y tế, lưu trú...
Trong tương lai, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh Châu Âu và Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các rào cản thương mại, thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam với các nước Châu Âu nói chung và khu vực Đông Âu trong đó có Ba Lan nói riêng.