3 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Để làm rõ hơn thực trạng này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào tăng lên |
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý I/2023, số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề trên?
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh: Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 là 56.946 doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I/2023 là 60.241 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào tăng lên, giá xăng dầu, giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào đều tăng, sắp tới giá điện cũng sẽ tăng. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp thì tăng như vậy, nhưng đầu ra lại không tăng tương xứng, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiết kiệm, chắt bóp và phải đóng cửa, khiến người lao động mất việc làm, tốc độ tăng trưởng GDP giảm sút.
Một lý do nữa khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn là kinh tế thế giới đang đối mặt với rất nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút ở nhiều quốc gia. Trong đó một số nước dự báo tốc độ tăng trưởng mấp mé 0% hoặc âm như Đức 0,1%. Hoa Kỳ cũng điều chỉnh tăng lãi suất để chống lạm phát, nên tình hình kinh tế thế giới trì trệ, trong bối cảnh đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của khu vực doanh nghiệp.
Vậy theo ông, khó khăn lớn nhất mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là gì?
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh: Rất khó để nói đâu là khó khăn lớn nhất mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, vì tùy thuộc vào mỗi lĩnh vực, mỗi ngành hàng thì doanh nghiệp lại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, thuận lợi khác nhau.
Ví dụ, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc thì vẫn tạm thời ổn định trong giai đoạn này, còn những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may thì gặp khó khăn vì đơn đặt hàng giảm sút. Do đó, để biết chính xác được khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp là gì thì cần có sự phân loại để có cách tiếp cận cụ thể, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động.
Tuy nhiên, trong Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, thì những vấn đề khó khăn cơ bản mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt đó là tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, và đặc biệt nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết các thủ tục hành chính, cần phải bỏ ra chi phí không chính thức để giải quyết các vấn đề trên. Những vấn đề trên nếu không sớm được giải quyết sẽ tạo thành “nút thắt” kìm hãm sự phát triển của khu vực doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh |
Do đó, để chấm dứt tình trạng doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí không chính thức, theo tôi chúng ta nên chuyển mạnh sang nền kinh tế số, giải quyết tất cả các thủ tục của doanh nghiệp trên môi trường mạng, tránh tiếp xúc trực tiếp để giảm nhũng nhiễu cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời đỡ tốn thời gian, chi phí đi lại cho khu vực doanh nghiệp.
Một giải pháp nữa theo tôi nhằm tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp đó là cần có những hoạt động thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu, cố gắng xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.
Bên cạnh những giải pháp như ông vừa nêu, để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị định 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023. Theo ông, Nghị định sẽ có tác động như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi Nghị định 12/2023/NĐ-CP ban hành vào thời điểm này rất kịp thời, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường, thị trường xuất khẩu bị co hẹp, đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Các giải pháp miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất mang ý nghĩa như một khoản tiền nhà nước hỗ trợ trực tiếp vào chi phí, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính quay vòng sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hỗ trợ chuyển đổi số, mua sắm thêm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và trả lương cho người lao động đúng hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và yên tâm sản xuất kinh doanh. Đó mới là hỗ trợ thiết thực nhất và bền vững nhất mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi.
Xin cảm ơn ông!