Ngày 16/10, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Thừa Thiên Huế đã ban hành Lệnh vận hành điều tiết hồ chứa Tả Trạch. Theo đó, thời gian điều tiết nước về hạ du bắt đầu từ 15 giờ 00 ngày 16/10. Vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch qua tràn xả sâu và tua bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 180 – 280m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.
Các địa phương thuộc hạ du hồ chứa nước Tả Trạch nghiêm cấm các hoạt động thuyền bè, vớt củi, câu cá… trên sông Hói (trừ các trường hợp đặc biệt và có ý kiến chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền) và thông báo đến người dân để chủ động phòng tránh.
Trước đó, ngày 13/10, để tăng dung tích phòng lũ chuẩn bị sẵng sàng đón các trận lũ trong thời gian tới, đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du thủy điện Hương Điền, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 10/10 đến 14/10 trên địa bàn |
yêu cầu thực hiện vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Hương Điền qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 200 – 400m3/s (ưu tiên phát điện tối đa qua tuabin).
Cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thừa Thiên Huế phát đi công điện gửi một số cơ quan, đơn vị sẵn sàng ứng phó với dải hội tụ nhiệt đới đang áp sát đất liền và có thể gây mưa lớn và kèm các hiện tượng tự nhiên nguy hiểm khác như giông lốc, và sấm sét....
Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên trong ngày và đêm nay 16/10 trên vùng biển của tỉnh Thừa Thiên Huế có gió giật mạnh cấp 6-7, sóng cao từ 1,5-3m biển động; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Trên đất liền từ 16/10 đến 18/10 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, các đơn vị triển khai công tác ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu).
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế; Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế; Chi cục Thuỷ sản; Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai, sơ tán người dân phòng chống mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn.
Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi…, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện đề phòng lũ quét, ngập úng, sạt lở đất bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động. Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dỡ dang, khơi thông dòng chảy phòng tránh ngập úng cục bộ.
Trước đó, từ ngày 10/10 đến 14/10, trên địa bàn Thừa Thiên Huế có mưa lớn diện rộng, nhiều vùng trũng bị ngập sâu, giao thông chia cắt như huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang…Bên cạnh đó, mưa lũ cũng làm 2 người dân bị đuối nước, tử vong; nhiều đoạn kè biển, giao thông bị sạt lở và hư hại.