Thừa Thiên Huế: Kịp thời gia cố bờ bao trước nguy cơ vỡ đê Thừa Thiên Huế: Người đàn ông tử vong khi đi đánh bắt cá Thừa Thiên Huế: Phát hiện pháo, hàng nhập lậu trên ô tô |
Ngày 14/10, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Thừa Thiên Huế thông tin, những ngày qua mưa lớn xảy ra diện rộng tại Thừa Thiên Huế đã làm sạt lở, hư hỏng các tuyến giao thông; đặc biệt là tình trạng sạt lở bờ biển, đường dân sinh tại xã Phú Diên, huyện Phú Vang; thiệt hại hàng trăm ha hoa màu tại huyện Quảng Điền…
Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cùng người dân xử lý các điểm sạt lở |
UBND xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn, trên địa bàn xã xảy ra 7 điểm sạt lở ven biển, có đoạn ăn sâu vào bên trong đất liền từ 5m đến 7m, trong đó, tại thôn Phương Diên có 4 điểm, thôn Mỹ Khánh có 3 điểm và còn có 5 điểm sạt lở nhỏ tại thôn Diên Lộc.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Lãnh đạo huyện Phú Vang cùng đại diện cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, chỉ đạo khẩn trương tổ chức gia cố, khắc phục công trình nhằm bảo đảm an toàn giao thông và tài sản cho người dân trong khu vực.
Chính quyền huyện Phú Vang chỉ đạo khẩn cấp khắc phục các điểm sạt lở ven biển |
Theo đó, để xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở tại 7 điểm ven biển thuộc xã Phú Diên, ông Trần Gia Công - Bí thư Huyện ủy Phú Vang đã chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ phối hợp cùng người dân tổ chức gia cố, khóa các vị trí sạt lở xung yếu, tránh để lan rộng. Đồng thời, hỗ trợ đưa ghe, thuyền và ngư cụ của ngư dân đến nơi cao ráo, an toàn.
Bên cạnh đó, chính quyền xã Phú Diên cũng đã cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại khu vực sạt lở; bố trí lực lượng chốt trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để báo cáo có phương án xử lý công trình nhằm bảo vệ đất đai, tài sản của người dân và di dời các hộ ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng nghiêm trọng |
Ngoài ra, chính quyền hai xã ven biển Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang) cũng sẵn sàng phương án, lực lượng ứng phó thiên tai khi có sự cố sạt lở, xâm thực bờ biển xảy ra.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, chiều ngày 14/10, một số địa phương trên địa bàn TP. Huế, huyện Nam Đông, A Lưới, thị xã Hương Trà, Hương Thủy đã cho học sinh đi học trở lại, các địa phương vùng trũng thấp như huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc một số trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thừa Thiên Huế cho biết, mưa lớn diện rộng đã gây ngập cục bộ ở nhiều địa phương trong tỉnh, giao thông chia cắt và đã gây ra một số thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Người dân các xã ven biển thừa Thiên Huế đưa các ghe, thuyền đến nơi cao ráo, an toàn |
Cụ thể, ngày 13/10 tại TX. Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế, một người đàn ông trong lúc đi đánh cá bị nước lũ cuốn trôi và tử vong. Mưa lũ đã làm thiệt hại gần 130 ha rau màu tại huyện Quảng Điền. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho biết, ngày 14/10 qua thống kê toàn huyện đã có hơn 127 ha rau màu các loại bị ngập úng, hư hỏng khá nặng; trong đó, hơn 57ha rau xanh. Địa phương thiệt hại nhiều nhất là vùng trồng rau xanh ở Lại Thế, Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Thọ và thị trấn Sịa…
Cũng tại huyện Quảng Điền, mưa lớn, dòng nước xoáy chảy mạnh làm sạt lở nghiêm trọng, hở hàm ếch và ăn sâu vào nền đường với độ dài hơn 50m ở thôn Mai Dương, xã Quảng Phước, uy hiếp hàng trăm hecta mặt nước nuôi trồng thuỷ sản và nhà cửa của nhân dân.