Thời gian qua, Thừa Thiên Huế triển khai nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông nhằm quy hoạch tốt không gian đô thị và đầu tư kết cấu hạ tầng đạt chuẩn để sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển hạ tầng đô thị, quy hoạch, xây dựng Thành phố Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương (Ảnh: Nguyễn Tuấn) |
Đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì vai trò công tác quy hoạch rất quan trọng. Đến nay, Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng kế hoạch để tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện. Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp với Tổng Cục Thống kê hỗ trợ điều tra bổ sung và thu thập thông tin, rà soát một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đến cấp huyện để hoàn thiện các quy hoạch, đề án nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ.
Các quy hoạch, đề án quan trọng đang thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Đề án công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập quận, phường và Báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đối với các đô thị đã được công nhận loại đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đang ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, đặc biệt là các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông có tính kết nối và lan tỏa nhằm sớm hoàn thiện các kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương.
Cảng Chân Mây đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút các nhà đầu tư, các dự án hạ tầng kinh tế của Thừa Thiên Huế trong thời gian tới (Ảnh: CTV) |
Trong đó, các dự án trọng điểm do tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý đang tích cực triển khai như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; đường Phú Mỹ - Thuận An; đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa)… Những công trình này hoàn thành cơ bản sẽ đáp ứng được yêu cầu kết nối khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế đang triển khai đồng loạt các dự án chỉnh trang hạ tầng đô thị lớn như dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế; Cải thiện Môi trường nước thành phố Huế... Các dự án đường vành đai 3, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, cũng đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư để đảm bảo khởi theo kế hoạch.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh, hiện nay các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình triển khai các dự án đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tập trung thực hiện các dự án có khối lượng đền bù, di dời dân cư rất lớn như: Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế; Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương cùng các dự án hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang đô thị khác.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để xử lý, tháo gỡ. Theo đó, đã thành lập 4 Tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, Giám đốc các Sở là thành viên để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần, làm việc với chủ đầu tư và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để rà soát, đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án.
“Tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các chủ đầu tư ban hành kế hoạch triển khai đối với từng dự án, tăng cường phối hợp và có phương án hỗ trợ địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải xem công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với các dự án đang triển khai chậm tiến độ, Tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ; đồng thời tiến hành xử phạt các nhà thầu chậm tiến độ, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quá trình triển khai thi công”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.