Thủ phủ tinh dầu tràm tại huyện Phú Lộc với hơn 70 điểm bán dọc Quốc lộ 1A |
Sau khi có thông tin các loại tinh dầu thiên nhiên, đặc biệt là tinh dầu tràm, sả có tác dụng tăng tính kháng khuẩn, khả năng ngăn ngừa được dịch cúm nâng cao thì thị trường dầu tràm, sả tại Thừa Thiên Huế sôi động.
Tại “thủ phủ” dầu tràm huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) có hơn 70 hộ kinh, chưng cất dầu tràm bày bán dọc tuyến Quốc lộ 1A. Theo các hộ kinh doanh, từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, bệnh dịch COVID-19 hoành hành cũng là thời điểm dầu tràm, sả “cháy hàng”, nhất là thời điểm đầu năm 2020.
Chị Linh – Chủ cơ sở sản xuất tinh dầu tràm Trường Hải (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) cho biết, như mọi năm trước, thì năm mới sẽ bán dầu trữ lại của năm cũ, bởi vì đầu năm ít người đi hái lá, lá tràm non, ít dầu nên 1 ngày chỉ nấu 1 nồi, bán lai rai. Trái lại, đầu năm nay, không có dầu để bán, một phần là do có thông tin dầu tràm có tính kháng khuẩn, nên khách gọi dầu rất nhiều.
Rất nhiều người tiêu dùng quan tâm và chọn dùng các loại tinh dầu thiên nhiên để bảo vệ sức khỏe |
Theo chị Linh, giá bán dầu tràm hiện nay giao động từ 1,5- 1,7 triệu/lít, và có thời điểm giá dầu tăng gấp 1,5 lần nhưng vẫn không có hàng giao cho khách. Tuy nhiên sau đó giá giảm xuống, hiện nay giá chỉ tăng từ 10-15% so với mọi năm, nhưng cũng chỉ cấp hàng đủ cho các “mối” làm ăn lâu nay, nhiều đơn hàng lớn nhưng đành chịu.
Ông Trần Văn Minh Quân – Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Phú Lộc cho biết, trên địa bàn huyện Phú Lộc có khoảng 70 hộ kinh doanh, sản xuất dầu tràm, trong đó có 1 hợp tác xã với khoảng 30 xã viên đó là hợp tác xã dầu tràm Lộc Thủy. Thời gian qua, mặt dù thị trường dầu tràm có đột biến những ngày đầu năm, tuy nhiên sau đó giá cả vẫn ổn định, tăng nhẹ và đảm bảo nguồn cung.
Chị Tuyết - cơ sở sản xuất dầu tràm Linh Đan (huyện Phong Điền) cho biết, hiện dầu tràm không có mà bán, số dầu dự trữ cũng không còn, giờ dầu dành cho khách quen thôi. Theo chị Tuyết, hiện mỗi ngày nhà nấu 2 lò, với gần 4 lít dầu nhưng nấu chừng nào bán hết chừng đó. Đối với các khách quen lâu nay như nhà thuốc, cửa hàng gọi thì chỉ đáp ứng phần nào chứ không như trước đây, cụ thể nếu gọi 200-300 chai 1 lần, thì giờ chỉ giao 50 chai, sau đó giao tiếp, chia đều cho các khách quen.
Các điểm kinh doanh tinh tràm dầu thu hút rất đông du khách đến thăm qua và mua sắm |
Theo các cơ sở kinh doanh dầu tràm, giá dầu tràm tăng một phần là do sức mua lớn, mặt khác do giá các phụ kiện đầu vào như nắp, chai, biểu mẫu cũng tăng theo, đặc biệt là giá lá tràm tăng cao với khoảng 30% so với mọi năm.
Ông Trần Văn Lực – Chủ cơ sở sản xuất tinh dầu Kim Vui cho biết, giá dầu tăng cao một phần do giá các nguyên vật liệu đầu vào như chai lọ, lá tràm tăng so với mọi năm. Cũng có thời điểm dầu “sốt” nhưng hiện nay đã ổn định trở lại. Là cơ sở nấu và kinh doanh các loại tinh dầu thiên nhiên có uy tín trên thị trường nên chủ trương của Kim Vui là tạo điều kiện để bình ổn giá cả cho người tiêu dùng.
Theo các chủ cơ sở chưng cất, sản xuất tinh dầu tràm, cái được lớn nhất không chỉ là giá dầu tăng mà là số lượng người biết về công dụng và sử dụng dầu tràm qua đợt dịch bệnh vừa rồi tăng cao. Từ đó tạo nên một thị trường tinh dầu tràm rộng mở, ổn định để nghề truyền thống này đi vào phát triển bền vững hơn.