Nhiều lợi thế phát triển du lịch tàu biển
Nằm ở vị trí trung tâm của miền Trung, Thừa Thiên Huế giữ vai trò quan trọng đối với kinh tế và phát triển du lịch của cả nước, là điểm kết nối và là động lực phát triển liên kết du lịch giữa các vùng. Trong những năm qua, du lịch Thừa Thiên Huế đã đóng góp đáng kể vào lượng khách và doanh thu, từng bước trở thành điểm đến chung hấp dẫn, đặc sắc của khu vực và cả nước. Bên cạnh, du lịch di sản, văn hóa là trọng tâm, thì du lịch đường biển cũng góp phần đáng kể trong tổng thể ngành du lịch của Thừa Thiên Huế.
Tàu du lịch hạng sang thế giới cập cảng Chân Mây |
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, thời gian qua, cảng Chân Mây đã tổ chức đón nhiều chuyến tàu biển hạng sang nhập cảng, sự xuất hiện thường xuyên các hãng du lịch tàu biển tại cảng như: Royal Caribbean, Celebrity Cruise, Tui Cruise, Costa Criere, Vinking Ocean Cruise, Smaill Cruise, Princess Cruise, Ovation of the seas, Mary Queen 2… đã góp phần nào khẳng định giá trị thương hiệu cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến tháng 10/2023, các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho hơn 116 lượt tàu du lịch đến và rời cảng Chân Mây, mang theo khoảng 209.000 khách du lịch (chủ yếu đến từ các nước Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha,..) và hơn 91.282 thuỷ thủ đoàn.
Nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu đón khách du lịch tàu biển, hiện nay cảng Chân Mây đã đầu tư xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m. Trong đó, cầu cảng số 1 dài 360m, cầu cảng số 2 dài 280m và số 3 dài 270m. Các bến số 4, 5 cảng Chân Mây với tổng chiều dài 540m đang triển khai các thủ tục về xây dựng, dự kiến dự án hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn I vào quý I/2025.
Bên cạnh đó, công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng, các công trình hạ tầng giao thông, chiếu sáng… được triển khai xây dựng.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ thì du lịch đang là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn được tập trung khai thác và phát triển mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Thừa Thiên Huế. Với lợi thế có nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt du lịch bằng tàu biển - loại hình du lịch có giá trị doanh thu cao. Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã quan tâm đầu tư nâng cấp cảng Chân Mây, triển khai nhiều dự án tại các bãi biển, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên bờ, tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch và du lịch tàu biển. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển nhằm xây dựng cảng Chân Mây và khu vực lân cận thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Cần quyết liệt trong giải quyết vướng mắc
Tuy vậy, theo đánh giá của các Sở, ban ngành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hiện vẫn còn tình trạng đặt đáy, lưới của ngư dân khai thác tôm hùm con trong luồng tàu, vũng quay tàu và vùng đậu tàu, gây mất an toàn hàng hải khu vực cảng Chân Mây. Bên cạnh đó, phía ngoài cổng cảng không có bãi đỗ dành cho các phương tiện nên dễ xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn khi phương tiện vào đón khách du lịch và gây khó khăn trong công tác kiểm soát. Ngoài ra, từ vị trí neo đậu của tàu khách du lịch đến vị trí đỗ xe rất xa không có xe trung chuyển, khi thời tiết nắng nóng, mưa gió gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian tham quan du lịch của hành khách…
Nhiều hãng tàu chọn cảng Chân Mây là điểm đến để du khách khám phá du lịch Huế, miền Trung |
Liên quan đến việc đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản gây cản trở, ảnh hưởng quá trình vận hành tàu du lịch, Sở Du lịch kiến nghị với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền, vận động, xử lý dứt điểm tình trạng người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản lấn chiếm luồng hàng hải, khu quay trở, khu neo đậu tàu tại khu vực hàng hải Chân Mây. Đồng thời, đề xuất, xem xét, hỗ trợ giảm cảng phí cho các tàu du lịch vào cảng biển Thừa Thiên Huế định tuyến hoặc nhiều lần.
Ngoài ra, kêu gọi đầu tư, các cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, đốc thúc các dự án đang triển khai trong lĩnh vực này sớm hoàn thành, đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tàu biển.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, dù có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch tàu biển nhưng hiện hạ tầng cơ sở cảng du lịch, nguồn nhân lực còn thiếu, trang thiết bị quản lý, giám sát, kiểm tra và hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư hiệu quả… Ngoài ra, số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp.
“Để thực hiện tốt nhất việc “đón đầu” du lịch tàu biển, các đơn vị liên quan cần tạo cơ chế chính sách cũng như đảm bảo an toàn an ninh nhưng tạo thuận lợi tối đa cho du khách; tăng thời gian lưu trú lâu nhất có thể để du khách sử dụng các dịch vụ ở Huế. Ngoài ra, cần đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tốt nhất, đầy đủ nhất để phục vụ khách tàu biển khi tham quan, sử dụng các dịch vụ như phương tiện vận chuyển, các nhà hàng, các điểm tham quan, các quầy hàng mua sắm, quà lưu niệm…”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, ngoài khách du lịch tàu biển đi theo tour, đoàn đã có lịch trình lên sẵn thì không đi theo tour (khách lẻ) khi xuống cảng Chân Mây đã có lực lượng Biên phòng cửa khẩu cảng sẽ phối hợp với an ninh cảng và các đơn vị liên quan quản lý, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các phương tiện vận chuyển để phục vụ nhu cầu đi lại, tham quan, nghỉ ngơi tại địa phương nơi tàu nhập cảng, không để tình trạng ùn tắc trong khu vực cảng, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, an toàn cho khách du lịch quốc tế khi đến cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, cảng Chân Mây nói riêng.
Cảng Chân Mây cho biết, năm 2023 sẽ có 24 chuyến tàu từ các nước: Bahamas, Malta, Na Uy, Quần đảo Marshall, Trung Quốc… cập và rời cảng.