Sáng ngày 18/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Thừa Thiên Huế phát đi thông báo về tình hình mưa lớn, có thể gây ngập lụt trên địa bàn những ngày tới.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên Huế, 24 giờ qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, rải rác mưa to với lượng mưa 20-80mm. Dự báo, từ hôm nay (18/9) đến ngày 21/9, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa cường độ mạnh nhất tập trung từ chiều tối nay đến trưa ngày 20/9. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 450mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1.
Thừa Thiên Huế cảnh báo mưa lớn, ngập lụt nhiều nơi vài ngày tới, người dân cần chủ động đề phòng và ứng phó. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Tác động của mưa lớn có khả năng gây ra lũ, lũ lụt, lũ quét và sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà... Cần chủ động đề phòng mưa với cường độ trên 70mm/1 giờ và trên 120mm/3 giờ có nguy cơ gây ra ngập, ngập lụt ở vùng thấp trũng thuộc hạ lưu các sông nhỏ trong tỉnh; ngập úng đô thị và những nơi có hệ thống thoát nước kém ở các huyện, thị xã và thành phố Huế.
Trước đó, ngày 17/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát đi công điện về chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên Huế cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn để người dân chủ động ứng phó và phòng tránh. Căn cứ các vị trí cảnh báo, các địa phương khẩn trương bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư, sơ tán người dân khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét… đến nơi an toàn.
Các chủ đập, đơn vị quản lý khai thác, các chủ đầu tư công trình thuỷ điện, thuỷ lợi kịp thời phát hiện và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở ven hồ; thượng, hạ lưu công trình đầu mối… Các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão lũ để triển khai ứng phó, phòng tránh với phương châm “bốn tại chỗ”…
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Đặng Văn Hoà - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên Huế - cho biết, tính đến 7 giờ ngày 18/9, tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ còn 1 phương tiện hoạt động trên biển với 9 lao động (tàu cá TTH 99996 TS do ông Trần Văn Dũng ở Thuận An làm thuyền trưởng). Dự kiến 11 giờ cùng ngày phương tiện trên vào đến bờ.
Bên cạnh đó, hiện có 2 tàu hàng, với 15 thuyền viên đang neo đậu tại cảng Thuận An; 19 tàu hàng neo đậu tại cảng Chân Mây (15 tàu của Việt Nam, 4 nước ngoài); 23 tàu cá/194 lao động ngoại tỉnh vào neo đậu tại Thừa Thiên Huế (gồm Bình Định: 20 tàu/173 lao động; Thanh Hóa 2 tàu/14 lao động; Hà Tĩnh 1 phương tiện/ 6 lao động).
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục phát thông tin, thông báo cho các phương tiện trên nắm diễn biến tình hình của áp thấp nhiệt đới.