Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2024, đến thời điểm này đã có 40 tàu đăng ký cập cảng với 83.709 người, qua 9 tháng đầu năm 2024 đã đón 54.537 khách. Dự kiến năm 2025, lượng tàu và khách đăng ký cập cảng Chân Mây sẽ tăng hơn 10-15%, với lượng lớn tàu của hãng Royal Carribean và thêm một số hãng tàu mới.
Tàu du lịch chở theo hàng ngàn du khách cập cảng Chân Mây và thăm quan các điểm du lịch tại Cố Đô Huế (Ảnh: Sở Du lịch TTH) |
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, vừa qua, theo tham mưu của Sở Du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 54/2024/QĐ-UBND ngày 12/8/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế, ban hành kèm theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 09/4/2018 của UBND Thừa Thiên Huế nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tàu biển tại các cảng trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành đáp ứng đủ các điều kiện tổ chức đón khách, chấn chỉnh môi trường du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm, Sở Du lịch đã có chương trình làm việc với Tập đoàn Tàu biển Royal Carribean và hợp tác với các hãng lữ hành khai thác khách tàu biển nghiên cứu xây dựng và phát triển trong năm 2025 và các năm tới với chuỗi sản phẩm du lịch dành cho đối tượng trong độ tuổi trên dưới 40, các sản phẩm du lịch tàu biển dành các đối tượng khách đi theo gia đình, nhóm bạn bè,... Kết cấu gói sản phẩm du lịch nằm trong các hành trình ngắn ngày (từ 2 đến 6 ngày). Kết nối sản phẩm trong hành trình của các hãng tàu biển từ trung tâm du lịch tàu biển như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thượng Hải... Trong đó, có kế hoạch xây dựng các sản phẩm du lịch tàu biển của Thừa Thiên Huế có điểm nhấn, có tính tương tác và trải nghiệm cao gắn với giá trị di sản, ẩm thực, nghề truyền thống... gắn với đặc trưng văn hóa lịch sử vùng đất Cố đô, kèm các dịch vụ bổ trợ nhất là các điểm mua sắm kết hợp giải trí có chất lượng cao (Trung tâm Thương mại Aeon Mall Huế, không gian Sống Platform, không gian văn hóa Lục Bộ, chợ Đông Ba,..); sản phẩm chăm sóc sức khỏe,.. tạo sự khác biệt so với các điểm đến khác trong khu vực trong cùng một hành trình, nhằm nâng cao khả năng thu hút khách và tăng khả năng chi tiêu của khách.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, du lịch Thừa Thiên Huế đã đóng góp đáng kể vào lượng khách và doanh thu, từng bước trở thành điểm đến chung hấp dẫn, đặc sắc của khu vực và cả nước.
“Bên cạnh du lịch di sản, văn hóa là trọng tâm, du lịch tàu biển cũng giữ vai trò khá quan trọng trong thu hút, gia tăng lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế. Đồng thời, góp phần quảng bá các sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp khai thác và giá trị cộng hưởng lợi ích cho địa phương, góp phần đáng kể trong tổng thể ngành du lịch của Thừa Thiên Huế”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cảng Chân Mây tổ chức đón tàu Khanh Hy chở gần 1.000 du khách tham quan Huế - Đà Nẵng sáng ngày 2/10/2024 (Ảnh: Cảng Chân Mây) |
Ông Trương Thành Minh – Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, hoạt động du lịch tàu biển bắt đầu từ tháng 10 hàng năm. Dự kiến năm 2025, có khoảng 50 tàu cập cảng Chân Mây. Hiện nay, các tàu biển đưa khách đến Huế thông qua hai đơn vị lữ hành lớn là Saigon Tourist và Tân Hồng.
Ông Trương Thành Minh cho biết thêm, tháng 10/2024, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thành việc xây dựng trạm ki ốt thông tin nằm tại khu vực cảng Chân Mây. Trạm ki ốt này sẽ là nơi cung cấp, giới thiệu các dịch vụ tour, tuyến xúc tiến, bán các dịch vụ cho du khách. Qua thống kê những năm gần đây, khi tàu cập bến thì trung bình có khoảng 500 – 1.000 du khách muốn tham quan các điểm du lịch nhỏ, khoảng cách gần như Lăng Cô, Bình An… Do vậy trạm ki ốt thông tin góp phần hỗ trợ, giới thiệu điểm đến cho du khách. Tuy nhiên, làm tốt hoạt động này cần phải có sự đầu tư đồng bộ, xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch, điểm đến tại các vùng phụ cận cảng ngày một tốt hơn.
“Năm 2025, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị về tàu biển, trong đó sẽ gặp gỡ các đối tác lớn về tàu biển, thông qua hội nghị chúng tôi sẽ giới thiệu những tiềm năng, lợi thế và về điểm đến của mình. Nếu làm tốt công tác này, lượng du khách du lịch tàu biển sẽ đến Thừa Thiên Huế nhiều hơn”, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế Trương Thành Minh hy vọng.
Đại diện cảng Chân Mây cho biết, để chuẩn bị đón tàu du lịch biển năm 2024 - 2025, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng và lực lượng tại cảng nhằm đảm bảo giải quyết nhanh các thủ tục cho tàu và du khách. Trong đó, tổ chức trang trí và chủ trì bố trí, sắp xếp địa điểm, chương trình các cơ quan, tổ chức, lực lượng tham gia phục vụ đón tiếp tàu, du khách và các dịch vụ khác trong phạm vi cảng. Chuẩn bị tốt các điều kiện và phương tiện kỹ thuật nhằm phục vụ tàu cập bến và khách du lịch lên bờ chu đáo. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội thủ công mỹ nghệ để bố trí địa điểm bán hàng lưu niệm cho khách du lịch tại cảng Chân Mây.
Trong những năm qua, cảng Chân Mây đã tổ chức đón nhiều chuyến tàu biển hạng sang nhập cảng, sự xuất hiện thường xuyên các hãng du lịch tàu biển tại cảng như: Royal Caribbean, Celebrity Cruise, Tui Cruise, Costa Criere, Vinking Ocean Cruise, Smaill Cruise, Princess Cruise, Ovation of the seas, Mary Queen 2… đã góp phần nào khẳng định giá trị thương hiệu cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Theo số liệu thống kê, trong năm 2023 đã có 24 tàu biển với gần 51.307 khách và thuyền viên cập cảng cảng Chân Mây. |