Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD năm 2030 Thủ tướng chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 |
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp tháng 10
Quy hoạch tổng thể quốc gia mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến hoàn thiện là bản quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập tại Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, tập trung phân bố và tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 |
Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thành lập theo Quyết định số 965/QĐ- TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng ngày 14/9, đại diện nhiều bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế và nhà khoa học cũng đánh giá cao nội dung được đề cập tại Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu ý kiến: Công tác xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc làm chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi nghiên cứu căn cơ và sự phối hợp của rất nhiều bộ, ngành, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng bản quy hoạch khá chặt chẽ, nhận diện được nhiều điểm mới, tâm đắc trong phát triển vùng, liên vùng và tiểu vùng dựa trên phân tích những cơ hội phát triển, qua đó thấy được lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền trên cả nước, nhằm định hướng phát triển toàn diện trên một tương lai dài.
Nhất trí với nội dung tại báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia, ông Bùi Văn Thạch - Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều đổi mới sáng tạo.
"Quy hoạch được xây dựng theo hướng tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương và đất nước, quy hoạch phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế nổi trội, cạnh tranh giữa các vùng, miền, địa phương" - đại diện Văn phòng Trung ương Đảng thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tính đến ngày 14/9/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định) đã nhận được ý kiến tham gia thẩm định của 40/49 thành viên Hội đồng thẩm định (25/34 thành viên Hội đồng thẩm định và 15/15 chuyên gia phản biện. Nhìn chung các ý kiến tham gia cơ bản thống nhất với hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình thẩm định, đồng thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.
"Toàn bộ 40 văn bản tham gia ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng và chuyên gia phản biện, bao gồm 327 ý kiến, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu 234 ý kiến và giải trình 93 ý kiến" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm.
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, Hội đồng thẩm định đã phát ra 44 phiếu, tương đương số ủy viên, thành viên của Hội đồng thẩm định. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, 100% thành viên, ủy viên nhất trí thông qua hồ sơ quy hoạch.
Trong đó, có 7 phiếu đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, chiếm 16%; 37 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 84% số phiếu. Như vậy, hồ sơ quy hoạch đã đủ điều kiện để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp tháng 10 tới.
Trong khi đó, với Dự thảo Báo cáo thẩm định, cũng đã có 100% ủy viên, thành viên Hội đồng thẩm định thông qua. Trong đó, 16 phiếu đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, chiếm 36%; 28 phiếu đồng ý thông qua nhưng với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 63%.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, văn bản liên quan, triển khai các thủ tục theo quy định để xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Chính phủ trước khi trình Quốc hội thông qua |
“Công tác quy hoạch - người công binh mở đường”
Đánh giá cao nội dung của bản báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là bản quy hoạch quan trọng, mang tính tổng thể và định hướng cho các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy cần làm rõ một số nội dung liên quan đến kinh tế biển, đến phát triển đô thị, nông thôn cũng như quy hoạch lại các vùng kinh tế nhằm phát huy cao nhất những lợi thế của từng vùng, miền, địa phương một cách tốt nhất.
Trong đó về kinh tế biển, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Về không gian biển, báo cáo quy hoạch đề cập quá ít, trong khi đó tầm nhìn của quy hoạch đến năm 2050, nên chiến lược biển cần có tầm nhìn "đại dương" chứ không chỉ đề cập trong phạm vi biển Đông.
"Bên cạnh đó, để khai thác được kinh tế biển hiệu quả, chúng ta không chỉ khai thác những ngành nghề hiện có mà cần có chiến lược khai thác sâu bằng công nghệ hiện đại, bởi các quốc gia trên thế giới đã đưa ra phương án khai thác biển theo chiều sâu, còn Việt Nam một quốc gia có thế mạnh về biển nhưng chưa tận dụng được lợi thế này", Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đề cập.
Cũng liên quan đến khai thác lợi thế kinh tế biển, PGS, TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về biển, lợi thế về du lịch biển, nhưng chúng ta vẫn thiếu một cảng du lịch biển chuyên biệt. Vì thế, quy hoạch cần đề cập phát triển cảng du lịch biển chuyên biệt, điều đó sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam hấp dẫn được những du khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Đây cũng là một cơ hội rất lớn để Việt Nam đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích.
Do đó, “công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường; một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.
Quy hoạch tổng thể quốc gia phải chỉ ra được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển. Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc khó bởi được làm lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, quy mô rộng, nhiệm vụ lớn, phức tạp… Theo đó, Thủ tướng cho rằng trước hết cần làm rõ quy hoạch khác với chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm như thế nào.
Trên cơ sở đó, việc xây dựng quy hoạch phải bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong đó có Luật Quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, để cụ thể hóa thành quy hoạch bảo đảm, khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ giám sát, kiểm tra. Đồng thời, phải đánh giá sát tình hình, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo với các "số liệu biết nói" cụ thể.
Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài. Tranh thủ ngoại lực là quan trọng và đột phá, đồng thời chỉ ra, hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế như: Hạ tầng, thể chế, kết nối vùng, kết nối quốc tế, chênh lệch phát triển giữa các khu vực…
Về xác định không gian phát triển theo vùng lãnh thổ, Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ đã được nghiên cứu, triển khai từ lâu, việc xây dựng quy hoạch cần có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển về nội dung này.
Thủ tướng gợi ý, quy hoạch cần xác định các ngành mũi nhọn sát tình hình thực tiễn, điều kiện và hoàn cảnh đất nước, gồm nông nghiệp; các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp vật liệu, công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; các ngành dịch vụ như logistics, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử, công nghiệp văn hóa…
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, văn bản liên quan, triển khai các thủ tục theo quy định để xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Chính phủ trước khi trình Quốc hội thông qua.