Chuyến thăm và làm việc của đoàn Thủ tướng được thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Cộng hòa Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng Vương Quốc Bỉ Charles Michel và Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân. Ảnh: TTXVN |
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tại ASEM 12, Thủ tướng là một trong 2 Lãnh đạo cấp cao của ASEM được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp Á – Âu trong khuôn khổ Diễn đoàn doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 16.
Thủ tướng sẽ phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất về “Cùng vun đắp tương lai: Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và kết nối bền vững”. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ đề xuất hai sáng kiến mới của Việt Nam về “Hội nghị ASEM về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế - xã hội tại châu Á và châu Âu” và “Hội thảo ASEM về thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” dự kiến diễn ra tại Việt Nam trong năm 2019.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương với Nguyên thủ, Lãnh đạo các đối tác quan trọng của Việt Nam trong ASEM… Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao các thành viên ASEM.
HNCC ASEM 12 diễn ra tại Brussels, Bỉ, vào ngày 18 – 19/10/2018 với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”. Đây là HNCC ASEM đầu tiên trong thập niên thứ ba, đề ra biện pháp nhằm phát huy vai trò ASEM trong thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối Á – Âu, đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức toàn cầu, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển của thế giới và hai châu lục. Các nhà Lãnh đạo ASEM sẽ thông qua Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị.
Hợp tác P4G được thành lập theo sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch nhằm phát triển quan hệ đối tác công – tư trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDG), chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Với chủ đề “Các giải pháp để phát triển bền vững”, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Hợp tác P4G được kỳ vọng sẽ đề ra tầm nhìn, định hướng lớn và các biện pháp, hành động cụ thể về thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Quan hệ Việt Nam – EU tiếp tục phát triển tích cực, trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên. EU là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Hoa Kỳ) và là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Việt Nam. Hiện hai bên đang tích cực thúc đẩy ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) trong năm 2018.
Quan hệ Việt Nam – Áo phát triển trên nhiều lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, thương mại – đầu tư, văn hóa – giáo dục. Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN – EU. Áo – với vai trò Chủ tịch luân phiên EU cuối năm 2018, ủng hộ tăng cường quan hệ Việt Nam – EU, tiếp tục duy trì viện trợ phát triển cho Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam – Bỉ phát triển tích cực sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018) và trong các khuôn khổ hợp tác ở nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp (liên bang, vùng và cộng đồng). Hiện nay, Bỉ quan tâm thiết lập quan hệ sâu rộng hơn với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Quan hệ Việt Nam – Đan Mạch phát triển tích cực, năm 2018 là năm kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Đan Mạch. Hai bên phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN – EU.