Ngày 23/4, Văn phòng Chính phủ gửi Công điện số 628/CĐ-VPCP về Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn đến Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
Lãnh đạo các bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bình Định, Bình Dương;
Lãnh đạo các cơ sở đào tạo: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học CMC;
Lãnh đạo các hiệp hội: Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam; Lãnh đạo Khu công nghệ cao Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh;
Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn FPT, Tập đoàn công nghệ CMC; Lãnh đạo các doanh nghiệp: Amkor, Cadence, Synosys.
Công điện nêu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị sẽ diễn ra lúc 14h thứ Tư, ngày 24/4/2024, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn |
Trước đó, ngày 22/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp để xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chip bán dẫn của thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm liên tục trong 20 năm vừa qua, dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á. trong đó có Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Đề án đặt ra nhiều giải pháp, trong đó đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan lên khoảng 200 cơ sở; đầu tư 4 trung tâm bán dẫn dùng chung, 20 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn…
Để thực hiện định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở cần có sự kết hợp giữa chương trình đào tạo chuyển đổi, cung cấp kiến thức cơ bản về ngành vi mạch, bán dẫn đến chương trình đào tạo chuyên sâu, nhân tài.
Đồng thời, phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình, phương thức giảng dạy. "Đề án cần đưa ra những gói cơ chế, chính sách đột phá đặc thù để tháo gỡ vướng mắc về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu tư công, nghiên cứu và phát triển…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, trong hình thành và bảo đảm các điều kiện cho hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Phó Thủ tướng cũng đề cập cơ chế đặt hàng nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên gia về thiết kế vi mạch bán dẫn, vật liệu, công nghệ thông tin… "Đề án cần có tư duy xuyên suốt, thống nhất theo chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, đưa ra sản phẩm, dự án cụ thể về tiến độ, đơn vị chịu trách nhiệm, không để chồng chéo, dàn trải", Phó Thủ tướng lưu ý.