World Bank: Kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục tích cực Ngân hàng Thế giới và góc nhìn ấn tượng về kinh tế Việt Nam |
Theo Báo cáo Dự báo Kinh tế Toàn cầu mới nhất của ICAEW và Oxford Economics, triển vọng phục hồi kinh tế Đông Nam Á không chắc chắn, do phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài khu vực. Tuy vậy, mức tăng trưởng trung bình của Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 5,8% trong năm 2022. Việt Nam được dự đoán là quốc gia có triển vọng tăng trưởng cao trong khu vực, ở mức trên 6,5% trong năm nay.
Tăng trưởng của Việt Nam dự báo ở mức trên 6.5% trong năm 2022
Trong năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục khá nhanh so với các quốc gia còn lại trong khu vực. Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ quý 4/2021 cho đến quý 1 năm nay đã thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch nội địa, từ đó hỗ trợ cho lĩnh vực dịch vụ du lịch hồi phục đáng kể. Tuy nhiên, trong giai đoạn mở cửa sau đại dịch hiện nay, ngành du lịch cần có sự chú trọng ở khu vực quốc tế, để thu hút khách du lịch quay trở lại Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong nay năm sẽ đẩy mạnh nhu cầu về xây dựng và nguồn nhân lực, đồng thời tiếp tục duy trì năng lực xuất khẩu tích cực.
Mặc dù tốc độ hồi phục các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á là không đồng đều do tác động của biến thể Delta, nhưng GDP của hầu hết các quốc gia bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều đã tăng trở lại mức trước đại dịch - ngoại trừ Thái Lan, vẫn ở mức thấp hơn 2% so với mức trước đại dịch, do ngành du lịch của quốc gia này vẫn đang phải vật lộn với các hạn chế về đi lại và di chuyển.
Trong đó, báo cáo lưu ý rằng, Việt Nam là quốc gia không bị ảnh hưởng đặc biệt bởi làn sóng biến thể Delta, và do đó không phải trải qua các đợt đóng cửa lớn gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế như Malaysia và Philippines. Mặt khác, Singapore đã có thể tận dụng sự gia tăng nhu cầu đối với nhu cầu tiêu dùng hàng điện tử tiêu dùng trên toàn cầu để tăng trưởng GDP lên mức 7,6% trong năm trước.
Tốc độ tăng trưởng khu vực Đông Nam Á dự báo khoảng 5,8%
Toàn khu vực ghi nhận sự tụt hậu rõ rệt trong tiến trình phục hồi của các ngành dịch vụ, cụ thể là về lưu trú, thực phẩm và bán lẻ, nhưng đà phục hồi được dự báo sẽ tăng lên khi các quốc gia mở lại biên giới và nới lỏng các hạn chế đi lại. Tuy nhiên, chính sách zero Covid của Trung Quốc và các đợt phong tỏa liên tục đã tác động tiêu cực đến Thái Lan, nơi khách du lịch chủ yếu là người Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sự phục hồi nền kinh tế khu vực Đông Nam Á còn tác động bởi những khó khăn từ bên ngoài khác, gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu giảm của thị trường Trung Quốc do các đợt phong tỏa kéo dài, cũng như cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra đã tác động đáng kể đến lạm phát và giá cả hàng hóa. Mặc dù vậy, viễn cảnh phía trước là khá lạc quan, khu vực Đông Nam Á dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5,8%, tăng 3,7% so với năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng khả quan này được cho là nhờ sự thúc đẩy ngành du lịch trên khắp các nền kinh tế từ việc mở cửa biên giới và nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Mức tăng trưởng 7,6% của Singapore vào năm ngoái chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, nhưng mức tăng trưởng này đã được điều chỉnh lại với xu hướng giảm đáng kể trong vài tháng qua. Chỉ số dịch vụ thực phẩm và đồ uống của quốc gia này đã không trở lại mức trước Covid và cũng vẫn thấp hơn khoảng 20% so với trước đây. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ và dịch vụ lưu trú của Singapore ghi nhận sự tăng mạnh trong tháng 3, và với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và ngăn chặn, các dấu hiệu về sự phục hồi rộng rãi hơn đối với lĩnh vực dịch vụ dự kiến sẽ xuất hiện.
Mặc dù, sản xuất công nghiệp chậm lại và khối lượng xuất khẩu yếu hơn do các đợt đóng cửa ở Trung Quốc, mức tăng trưởng của Singapore được dự báo ở mức 2,9%, chủ yếu do sự thúc đẩy ở lĩnh vực dịch vụ. Mặc dù, con số này giảm so với mức tăng trưởng rất mạnh của năm ngoái là 7,6%, nhưng mức tăng trưởng này sẽ cao hơn rất nhiều giữa các ngành và dẫn đến sự phục hồi trên diện rộng hơn.
Ông Mark Billington, Giám đốc điều hành các thị trường quốc tế của ICAEW, cho biết: “Mặc dù mức độ ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến Nga-Ukraine ở Đông Nam Á là hạn chế, nhưng khu vực này vẫn bị ảnh hưởng bởi lạm phát và phản ứng của chính sách tiền tệ trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, chính sách zero Covid của Trung Quốc cũng đã gây ra hiệu ứng domino về tác động tiêu cực đối với các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và du lịch của khu vực. Vì thế, những thách thức từ bên ngoài khu vực sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á, và chúng tôi kỳ vọng sẽ nhìn thấy sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ khi chúng ta học cách sống chung với Covid.”
Báo cáo Dự báo Kinh tế đã được Sian Fenner, Nhà kinh tế hàng đầu Châu Á tại Oxford Economics trình bày tại Diễn đàn ICAEW Economic Insight Q2 2022 vào đầu tháng 6 vừa qua. Sau phần trình bày Dự báo kinh tế của bà Sian Fenner, là phần tham luận của các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu khu vực về triển vọng và tốc độ phục hồi kinh tế Đông Nam Á sau đại dịch. Bà Vân Anh Huỳnh, đến từ Microsoft là đại diện duy nhất của Việt Nam tại diễn đàn, đã có phần tham luận về xu hướng gia tăng số hóa, cũng như tốc độ tiếp nhận công nghệ của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh, người lao động trong khu vực cần trang bị kỹ năng công nghệ và thích ứng trong giai đoạn mới.