Nông dân “gửi gắm” nhiều vấn đề
Hàng trăm nông dân tham dự hội nghị, đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân trên cả nước đã mang theo hơn 2.000 câu hỏi gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Các câu hỏi của bà con tập trung vào nhiều vấn đề “nóng”, liên quan đến sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông sản; chính sách đất đai, biến đổi khí hậu; chính sách về vốn tín dụng và những vấn đề nổi cộm trong phát triển nông thôn hiện nay…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tại hội nghị |
Câu hỏi của nông dân Phan Văn Thế (Sóc Trăng) cũng chính là vấn đề mà nông dân đang tham gia sản xuất hàng hóa đặc biệt quan tâm: “Hiện, nông dân tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thương lái, qua các kênh chợ truyền thống. Làm thế nào để nông dân có thể tham gia liên kết bền vững, hiệu quả với doanh nghiệp?”. Nếu như nông dân nuôi trồng thủy hải sản Quách Thanh Sử (Cà Mau) lo ngại về 3 khâu: Quy hoạch, giống và thức ăn; thì nông dân trồng trọt Phan Văn Thà (Tây Ninh) lại băn khoăn về vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang khiến nhiều hộ nông dân lao đao...
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nêu vấn đề: “Để xây dựng nền chăn nuôi bền vững, Chính phủ sẽ có những chính sách đột phá gì để hỗ trợ ngành chăn nuôi, người chăn nuôi nhỏ lẻ - nhất là trong bối cảnh rủi ro nhiều dịch bệnh như hiện nay?”.
“Việc áp dụng các biện pháp tăng vụ, hay tình trạng đào ao nuôi trồng thủy sản phá vỡ quy hoạch đang xảy ra ở nhiều nơi thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn tới việc, chúng ta phải đổ rất nhiều hóa chất, phân bón, thuốc kháng sinh xuống đồng ruộng, ao hồ. Chính phủ sẽ có chính sách gì để vừa đẩy mạnh được sản xuất, đồng thời đảm bảo canh tác bền vững, xây dựng nền nông nghiệp sạch và an toàn?” - nông dân Phan Văn Thụ (An Giang) trăn trở.
Hướng tới một thế hệ nông dân đổi mới
Tham dự đối thoại cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành đã cùng giải đáp cho bà con nông dân. Trong đó, nhấn mạnh đến các vấn đề như: Chính sách hỗ trợ các sáng chế trong nông nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ); xác định ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); phát triển đời sống văn hóa, tinh thần của nông dân (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch); dạy nghề và xuất khẩu lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); chính sách chuyển đổi đất lúa (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Về giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu nông sản và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản đang được rất nhiều nông dân quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường; rà soát chính sách về đất đai để hình thành vùng nguyên liệu của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương… bản thân người nông dân phải đổi mới, tổ chức lại sản xuất, nhân rộng mô hình hợp tác xã, chủ động đáp ứng yêu cầu về chất lượng, sản lượng của thị trường.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân Việt Nam. “Đây là điều rất quan trọng đối với một giai cấp, một dân tộc, nếu không có khát vọng, chúng ta không thể thành công” – Thủ tướng khẳng định, đồng thời yêu cầu, với sản xuất, các địa phương - nhất là ngành nông nghiệp - hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng thực phẩm. Về thị trường, các bộ, ngành cần có dự báo, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương phải có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết.
“Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để giao các bộ, ngành tiếp tục thực hiện. Với tinh thần tự lực, tự cường, nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường để hình thành một lớp nông dân đổi mới, đưa nông nghiệp phát triển bền vững, không để đất đai manh mún, nhỏ lẻ” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.