Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp Sáng 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập ... |
Phát biểu kết luận Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp tổ chức sáng 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ những quan điểm, định hướng lớn trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Thứ nhất, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quan tâm thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội thực chất, lành mạnh và bền vững.
Thứ hai, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Hội nghị được kết nối từ trụ sở Chính phủ tới một số địa phương |
Thứ ba, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Thứ tư, các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội để thúc đẩy phát triển toàn diện hơn lĩnh vực nhà ở xã hội. Đây là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị và sự tham gia của doanh nghiệp, người dân với trách nhiệm xã hội cao.
Thứ năm, song song với phát triển nhà ở xã hội, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà trọ với quy chuẩn, điều kiện về không gian, vệ sinh, môi trường phù hợp, ngày càng văn minh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
Nêu rõ mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8/2022.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu việc quy định một đầu mối quản lý thống nhất ở các địa phương về vấn đề này. Nghiên cứu việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình.
“Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có động lực, cảm xúc, cảm hứng để phát triển nhà ở xã hội”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Điều được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh này cũng được hầu hết các ý kiến phát biểu tại Hội nghị nhấn mạnh, đồng thời coi đây là nguồn lực quan trọng bên cạnh nguồn lực vật chất được các doanh nghiệp, địa phương cam kết.
Như ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu tại Hội nghị cho biết, tại Hội nghị, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký 1.281.000 căn hộ nhà ở xã hội. Thành công này sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân.
Qua ý kiến của doanh nghiệp, chúng ta đã có nhiều ưu đãi để kích thích động viên phát triển nhà ở xã hội cho công nhân. Nhưng qua đó, cũng thấy rằng tiến độ, thủ tục đầu tư liên quan tới quy định còn rất nhiều vấn đề có thể giảm bớt, ví dụ như về tiền kiểm, hậu kiểm để có nhà ở xã hội, phương án phân phối,…
“Chúng ta đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nhưng việc thực hiện còn hạn chế ở các địa phương và văn bản pháp lý hướng dẫn, cần tiếp tục được thúc đẩy”- Phó Thủ tướng nêu rõ.