Thứ trưởng Phan Thị Thắng: VLA cần đẩy mạnh chuyển đổi xanh để phát triển ngành logistics Việt Nam bền vững
Chỉ đạo điều hành 19/07/2024 17:11
Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Lào Cai cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics Vì sao phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu? |
Chiều 19/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IX (2024-2027). Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng dự và có bài phát biểu chỉ đạo.
Đảm bảo chuỗi cung ứng gần như không bị gián đoạn
Nhiệm kỳ VIII là nhiệm kỳ mà Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Đây là thời kỳ khó khăn không chỉ đối với ngành dịch vụ logistics mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, trong bối cảnh ấy, Hiệp hội VLA đã luôn nỗ lực, đoàn kết và kiên trì vượt qua mọi trở ngại.
Đại biểu tham dự Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhiệm kỳ IX (2024-2027) - (Ảnh: Thanh Minh). |
Nhìn lại Nhiệm kỳ VIII (2021-2024), ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định: Nhiệm kỳ VIII, Hiệp hội đã đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ ngành dịch vụ logistics trong nước vượt qua khó khăn không chỉ trong thời kỳ đại dịch Covid mà còn trong giai đoạn hậu Covid.
Trong đó, các sáng kiến và biện pháp hỗ trợ kịp thời của Hiệp hội đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với những thay đổi bất ngờ, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo chuỗi cung ứng hầu như không bị gián đoạn.
“Hiệp hội VLA đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, từ việc cung cấp thông tin kịp thời, chia sẻ kinh nghiệm đối phó với đại dịch, đến việc phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics trong và sau đại dịch”, ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh.
Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, nhiệm kỳ VIII (Ảnh: Thanh Minh). |
Thế giới ngày nay đang đối mặt với nhiều biến động và thách thức, trong đó có cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông và Biển Đỏ. Ông Lê Duy Hiệp cho rằng những biến động này ảnh hưởng sâu rộng tới các hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu, bao gồm cả ngành logistics.
Mặt khác, tình hình an ninh tại các khu vực chiến lược như eo biển Hormuz hay kênh đào Suez, những điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đang trở thành mối lo ngại không nhỏ cho tất cả chúng ta.
Trong bối cảnh đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hộiVLA, cần chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với các thách thức và biến động có thể xảy ra. Hiệp hội phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hợp tác quốc tế và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa hoạt động logistics, đảm bảo sự thông suốt và an toàn cho các chuỗi cung ứng.
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nhiệm kỳ IX (Ảnh: Thanh Minh). |
Tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - thúc đẩy phát triển ngành logistics bền vững
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao những kết quả mà VLA đã đạt được trong nhiệm kỳ VIII (2021-2024), đặc biệt là những đóng góp của Hiệp hội trong công tác phản biện chính sách, thúc đẩy hợp tác quốc tế; quảng bá, giới thiệu, kết nối hợp tác ngành nghề trong nước, khu vực và thế giới.
“Sự tham gia, góp ý của Hiệp hội trong việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến ngành dịch vụ logistics cũng như phản ánh các vấn đề nóng, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong ngành có ý nghĩa to lớn, là một căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, trong nhiệm kỳ VIII, khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nhất đã có lúc, có nơi chuỗi cung ứng bị đứt gãy cả quốc tế và trong nước gây ra những tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, VLA đã cùng cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics trong thực hiện tốt “mục tiêu kép”. Qua đó, góp phần phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: Thanh Minh). |
Điều này đã phần nào phản ánh qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019 và vượt qua mọi khó khăn của giai đoạn đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu là điểm sáng tích cực của kinh tế Việt Nam, liên tục vượt mốc 600 tỷ USD vào năm 2021 và 700 tỷ USD vào năm 2022, năm 2023 đạt 683 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Lưu thông hàng hóa trong nước về cơ bản được đảm bảo, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Khẳng định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhìn nhận, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, chỉ số hiệu quả Logistics (LPI) Việt Nam đứng vị trí thứ 43/139, tụt 4 hạng so với thứ 39/160 của năm 2018.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là điểm số LPI vẫn tăng nhẹ lên mức 3,3 điểm so với mức 3,27 điểm năm 2018. Xét trong tương quan với các nước trong khu vực thì Việt Nam thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Đặc biệt là nhận thức và sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương về vai trò của ngành dịch vụ logistics đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Đây là kết quả của những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân các doanh nghiệp.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như chi phí dịch vụ còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics còn thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp.
Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của Hiệp hội là rất quan trọng.
Theo đó, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị VLA tiếp tục phát huy vai trò là Hiệp hội quốc gia các doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt tích cực chú trọng chủ động triển khai các nhiệm vụ đã được giao trong Quyết định 221/QĐ-TTg, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương để nắm bắt và tham gia giải quyết kịp thời những vấn đề, khó khăn phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 để trình Chính phủ ban hành. Do đó, Thứ trưởng đề nghị Hiệp hội có ý kiến đóng góp tích cực, thiết thực vào nội dung Chiến lược và chủ động phối hợp triển khai các nhiệm vụ liên quan khi Chiến lược được ban hành. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò, nói lên tiếng nói của mình trong tư vấn, phản biện chính sách và những vấn đề liên quan đến dịch vụ logistics như tình trạng tăng cước vận chuyển đường biển và thu phí bất hợp lý,...
Trong thời gian vừa qua, có nhiều tổ chức, hiệp hội liên quan đến logistics ra đời như Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, các hiệp hội logistics ở cấp địa phương, phản ánh sự quan tâm và nhu cầu hợp tác để phát triển dịch vụ logistics. “VLA cần nâng cao vai trò của mình là một hiệp hội quốc gia, đoàn kết sức mạnh cộng đồng logistics Việt Nam, kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics quốc tế thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị.
Ngoài ra, phát huy thành tích phát triển hội viên của Nhiệm kỳ VIII vừa qua, trong thời gian tới, Hiệp hội cần quan tâm phát triển hội viên và tổ chức các hoạt động đem lại lợi ích đồng bộ cho hội viên ở các khu vực khác như miền Bắc, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long... Cùng với đó, tăng cường giúp đỡ hội viên thực hiện công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong các hoạt động logistics đáp ứng yêu cầu của tình hình mới để Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ logistics thế giới…
“Bước vào nhiệm kỳ IX, tôi tin tưởng rằng Hiệp hội VLA sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, không ngừng đổi mới và sáng tạo, góp phần xây dựng ngành logistics Việt Nam ngày càng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng bày tỏ.