Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu 6 giải pháp phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Tin hoạt động 02/10/2024 16:44
Ngày 2/10, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Hội thảo “Năng lượng mới và năng lượng tái tạo – Tiềm năng và nguồn lực đầu tư”.
Tham dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế trong, ngoài nước; các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP. Bến Tre và một số lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đồng chủ trì hội thảo.
Phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã tóm tắt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, chuyển dịch năng lượng với định hướng giảm dần tỷ trọng nguồn nhiên liệu sử dụng hóa thạch trong sản xuất điện sang năng lượng mới, năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu hiện nay trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã tóm tóm tắt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Tiến Phòng |
Theo đó, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển dịch năng lượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc ban hành khung chính sách, các chiến lược, quy hoạch như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia của Việt Nam về biến đổi khí hậu; Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050; Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Triển khai mục tiêu đã đề ra, theo Quyết định số 500/QĐTTg, tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 là 150.489 MW. Trong đó, đến năm 2030 tổng công suất đặt của điện mặt trời là 12.836 MW, chiếm 8,5% tổng công suất đặt hệ thống, tổng công suất đặt của điện gió trên bờ là 21.880 MW, chiếm 14,5% tổng công suất; điện gió ngoài khơi là 6.000 MW bằng 4% tổng công suất; điện sinh khối và điện rác là 2.270 MW, bằng 1,5% tổng công suất.
Như vậy, tổng công suất đặt các nguồn điện từ năng lượng tái tạo không kể thủy điện đã chiếm 28,5% tổng công suất đặt hệ thống điện. Theo Quyết định số 165/QĐ-TTg, mục tiêu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030 và mục tiêu đạt khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.
Hội thảo “Năng lượng mới và năng lượng tái tạo – Tiềm năng và nguồn lực đầu tư” tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Tiến Phòng |
Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, phát triển năng lượng tái tạo và nguồn nhiên liệu từ năng lượng tái tạo như hydrogen là một trong những định hướng lớn trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đến 2050. Định hướng đến năm 2050, nhiên liệu hydro sẽ được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện LNG, nhiệt điện khí. Cụ thể các nhà máy nhiệt điện khí trong nước chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro với tổng công suất 7.030 MW, chiếm 1,2 - 1,4 % hệ thống; nhiệt điện LNG đốt kèm hydro có công suất từ 4.500 MW - 9.000 MW, chiếm 0,8 -1,8 %.
Đến thời điểm hiện nay, công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo là 22.370 MW, chiếm 27,1% tổng công suất đặt của hệ thống điện là 82.617 MW, trong đó, nguồn điện gió là 5.345 MW, chiếm tỷ trọng 6,47%; điện mặt trời là 16.630 MW, chiếm tỷ trọng 20,13%; điện sinh khối là 395 MW, chiếm tỷ trọng 0,48% hệ thống điện. Sản lượng điện từ NLTT đạt 43,96 tỷ kWh chiếm 20,52% so với sản lượng điện toàn hệ thống là 214,16 tỷ kWh, trong đó: Sản lượng điện từ nguồn điện gió là 8,31 tỷ kWh chiếm tỷ trọng 3,88% sản lượng điện toàn hệ thống; điện mặt trời là 19 tỷ kWh chiếm 8,87%, điện sinh khối là 0,79 tỷ kWh chiếm 0,37%, thủy điện nhỏ là 15,84 tỷ kWh chiếm 7,39%.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng nhận định, Bến Tre là địa phương có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới rất đa dạng và phong phú, bao gồm: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng từ sinh khối, rác thải, hydrogen xanh, ammoniac xanh.
“Theo Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bến Tre được quy hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo như sau: Công suất nguồn điện gió trên bờ (trên đất liền và gần bờ) đến năm 2030 là 1.100 MW. Công suất nguồn điện sản xuất từ sinh khối đến năm 2030 là 10 MW. Công suất nguồn điện sản xuất từ rác thải đến năm 2030 là 18 MW. Công suất nguồn điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 là 17 MW. Điện gió ngoài khơi cho khu vực Nam Bộ là 1.000 MW”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết.
Triển khai 6 giải pháp để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định, để đạt các mục tiêu trên về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, cần xem xét, triển khai 6 giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, cần tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Xây dựng cơ chế đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy đầu tư. Khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng, hiệu quả đối với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, chống đầu cơ, trục lợi, lợi ích nhóm trong phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh. Hoàn thiện chính sách thuế khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Thứ ba, tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế, tăng cường kêu gọi đầu tư, xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để thu hút đầu tư, nhanh chóng tiếp cận và chuyển giao các công nghệ mới, hiện đại về nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Thứ năm, tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế suất sạch, sinh thái, thông minh, nhắm tới mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất kinh doanh. Tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy phát triển năng sạch và năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng.
Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền và cộng đồng về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho các lĩnh vực hoạt động này.
“Tôi tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ thực hiện định hướng chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam nêu trên, ngành năng lượng của Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng sẽ được chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng bền vững”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.