Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Ngành dệt may cần tận dụng cơ hội từ các FTA
Tin hoạt động 16/12/2022 15:44
Tăng trưởng trong khó khăn
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết ngành Dệt may năm 2022 do Hiệp hội Dệt may tổ chức sáng 16/12, tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, ngành dệt may năm 2022 dự kiến đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất với hơn 18 tỷ USD, Hàn Quốc là 4,2 tỷ USD, Nhật Bản là 3,9 tỷ USD, Trung Quốc là gần 3,9 tỷ USD…
Có được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã mở toang cánh cửa hội nhập với 15 hiệp định thương mại có hiệu lực. Đó là nền tảng tạo ra sự đa dạng hóa thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành dệt may đang đẩy nhanh chuyển đổi từ sản phẩm dệt may Việt Nam gia công nhiều, sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững với những loại sợi mới từ cây gai, lông cừu.
"Chúng ta nhìn nhận việc lạm phát, đồng tiền mất giá, sức mua của các nước lớn giảm là rủi ro. Nhưng thời gian vừa qua, đây chính là áp lực buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Nhiều doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tăng trưởng như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước..." - ông Vũ Đức Giang nói.
Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD trong năm 2023 |
Tuy nhiên, cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành dệt may vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức như dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua của người tiêu dùng vẫn giảm mạnh, xung đột Nga - Ukraine vẫn còn căng thẳng. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5-7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Những đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng như phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải.
2 kịch bản tăng trưởng
Sang năm 2023, ngành dệt may đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 47- 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD.
"Chúng ta có cơ sở để đặt ra tham vọng đó, như thông tin về các hiệp định thương mại là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng” - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ Đức Giang, trước đây, Việt Nam cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Bangladesh, Myanmar sang. Ngoài ra, dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Chính điều đó là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị |
Đánh giá cao những kết quả của ngành dệt may trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế diễn biến phức tạp, xung đột địa chính trị diễn ra căng thẳng, dịch bệnh, lạm phát, biến động tỷ giá…. song kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn ước đạt 44 tỷ USD. Đây là con số rất đáng ghi nhận. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, Hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành.
“Sự thành công của ngành dệt may đặc biệt phải nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với các doanh nghiệp trong nước là các doanh nghiệp đối tác cùng tham gia tích cực trong việc xây dựng chính sách phát triển của ngành”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Bước sang năm 2023, thị trường còn nhiều biến động và khó khăn. Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu, các doanh nghiệp cần tập trung triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội phát triển ngành, đồng thời tận dụng kết quả từ cơ hội nhập quốc tế.
Về phía Hiệp hội, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Hiệp hội tiếp tục làm tốt vai trò là đầu mối kết nối các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời kết nối doanh nghiệp với Chính phủ để hiệp hội phát huy hơn nữa, phát triển ngành dệt may bền vững hơn trong thời gian tới.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, hỗ trợ tối đa trong việc giải quyết những khó khăn trong thẩm quyền của Bộ.