Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam làm việc với Ủy ban MTTQ Vĩnh Phúc
Tin hoạt động 30/11/2022 18:55
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kiểm tra Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại Vĩnh Phúc |
Tham dự buổi làm việc có bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Thư ký Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Ông Vũ Đình Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường; Ông Ngô Quang Long, Phó chánh Văn phòng Bộ, Bộ Công Thương.
Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có ông Nguyễn Tuấn Khanh – Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, ông Ngô Duy Đông - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Ngọc Phi – Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc và 23 đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh.
Đa dạng giải pháp quảng bá và tiêu thụ hàng Việt
Báo cáo về tình hình triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Tuấn Khanh chia sẻ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nghiêm túc Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đã tác động và nâng cao nhận thức của đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên, và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Cuộc vận động. Từ đó tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành động, thói quen ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm việc với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Vĩnh Phúc |
Nhiều tổ chức, địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, chỉ đạo tập trung theo các nghị quyết chuyên đề, tăng cường tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn, đã góp phần trực tiếp và quan trọng trong việc tuyên truyền vận động, hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn, chất lượng. Từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được nâng nên, củng cố niềm tin người tiêu dùng trong nước, góp phần tích cực vào thực hiện cuộc vận động.
Bằng nhiều giải pháp tích cực, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào cuộc sống của mỗi người dân, khi sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất, chất lượng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng, hàng nhập ngoại đã được hạn chế, nhân dân mua sắm hàng Việt tăng, thể hiện lòng yêu nước, tính tự tôn dân tộc.
Việc giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền quảng bá, địa chỉ tin cậy, được nhân dân tin tưởng chất lượng hàng hóa, tiêu dùng sử dụng của người dân tăng cao. Từ đó nhằm góp phần giữ vững ổn định giá cả các mặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, đã tạo được cơ hội lớn cho doanh nghiệp ổn định và phát triển trên thị trường canh tranh lành mạnh, phù hợp với người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm, hàng hóa, trực tiếp đến đời sống nhân dân như: Lương thực, thực phẩm, hàng dệt may, đồ điện tử, vật tư và nhiều sản phẩm khác... Tỉnh cũng đồng thời giám sát tiếp cận thị trường các loại hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng, không bị hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
“Cuộc vận động đã tạo được những chuyển biến trong ý thức của người tiêu dùng trong tỉnh, đã nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm... đã giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển” – ông Nguyễn Tuấn Khanh nói.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh mua sắm hàng Việt trong mua sắm công.
Đối với công tác quản lý thị trường, ông Lê Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bám sát chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung vào các chương trình lớn như đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng về các hoạt động của đơn vị chức năng; tuyên truyền về thủ đoạn phương thức buôn bán hàng giả để người dân biết, cảnh báo và ngăn chặn. Cục cũng xây dựng chương trình tuyên truyền riêng trên Truyền hình Vĩnh Phúc và Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trong đó công khai điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh những vướng mắc đến các cơ quan chức năng.
“Tại Thị trấn Thổ Tang, trước đây kinh doanh hàng nhái rất nhiều. Sau khi lực lượng quản lý thị trường được kiện toàn đã phối hợp với chủ sở hữu xử lý. Giai đoạn căng thẳng nhất từ 2010-2015, lực lượng quản lý thị trường ban ngày vào từng hộ kinh doanh để ký cam kết; tối đến ra thị trường kiểm tra. Đến nay, yếu tố khả quan là tình hình thị trường ổn định, không có vấn đề gì quá nghiêm trọng, vì Thổ Tang hiện không có nhà xưởng để sản xuất hàng hóa” – ông Lê Hùng nhấn mạnh.
Đối với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Võ, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, Sở đã tập trung vào việc hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ, hướng dẫn các HTX bảo hộ nhãn hiệu để bảo vệ sản phẩm của mình.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, Vĩnh Phúc có 13.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp có hoạt động và đóng thuế là 7.500 – 8.000. Việc triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn khó khăn do thu nhập bình quân đầu người còn thấp nên người dân còn chưa ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hàng công nghiệp, còn ít sản phẩm nông nghiệp. Sản lượng và mẫu mã sản phẩm chưa hấp dẫn người tiêu dùng.
“Để thúc đẩy triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới, yếu tố cốt lõi là làm để hàng Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam” – đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nêu ý kiến.
Đối với Hội Nông dân tỉnh, thời gian qua, Hội Nông dân đã nỗ lực phối hợp với doanh nghiệp để đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến hội viên nông dân. Đây là kênh giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm trong nước sản xuất được. Đồng thời, đưa sản phẩm của người nông dân đến với người tiêu dùng.
Đặc biệt, năm 2022, Hội Nông dân đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc để triển khai việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart. Đây là cách để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt hiệu quả.
Tăng cường mối liên kết để sản xuất tiêu thụ hàng Việt
Khẳng định “Cuộc vận động đã thực sự đi vào cuộc sống!”, song ông Nguyễn Tuấn Khanh chỉ rõ, song song với các kết quả tích cực, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng ở một số nơi vẫn tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động; phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp có nơi còn chậm, chưa thường xuyên và một số nội dung phối hợp còn hạn chế.
Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao tại kênh phân phối của Vĩnh Phúc |
“Một số người dân vẫn còn có thói quen tiêu dùng sính hàng ngoại, có giá rẻ, mẫu mã đẹp do đó ảnh hưởng đến ý nghĩa của cuộc vận động. Thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban chỉ đạo trong công tác kiểm tra, giám sát triển khai Cuộc vận động có lúc chưa được thường xuyên” – ông Khanh nhấn mạnh.
Chia sẻ bí quyết giúp hàng Việt Nam lan tỏa tốt hơn ở địa phương, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương chia sẻ, một trong những điểm đáng ghi nhận của Vĩnh Phúc là tỉnh luôn tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2021, Vĩnh Phúc vẫn giữ vững vị trí Top 5 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất cả nước, giúp địa phương tăng tính cạnh tranh và thu hút được nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trên toàn cầu. "Bên cạnh đó, việc vận động sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh thời gian qua tương đối tốt; sức mạnh của mạng lưới phân phối hàng Việt của Vĩnh Phúc luôn sẵn sàng trong mọi tình huống” – bà Lê Việt Nga ghi nhận.
Thời gian qua, ngành Công Thương Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp kết nối doanh nghiệp vào kênh phân phối, song nhưng sự kết hợp liên ngành giữa Trung ương và địa phương, giữa ngành này và ngành khác còn thấp.
Do đó, thời gian tới, bà Lê Việt Nga cho rằng, cần tăng tính liên kết giữa Trung ương và địa phương. Tỉnh đang có thế mạnh tạo điều kiện kinh doanh tốt, song dư địa để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào các chương trình hỗ trợ.
“Ví dụ Công ty Ong Tam Đảo (Honeco) đã tham gia vào các chương trình lớn nhất về xúc tiến thương mại của Bộ, nhưng các chương trình khác như nông thôn mới, khuyến công… còn chưa được tiếp cận. Mong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp được kết nối và thụ hưởng các hoạt động của các chính sách của bộ ngành, hỗ trợ sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng” – bà Nga đề xuất.
Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp đến sản xuất kinh doanh. Do đó, Bộ Công Thương mong muốn Vĩnh Phúc sẽ có nhiều chương trình liên kết với các tỉnh thành phố khác để đưa hàng hóa sang các địa phương khác hoặc đưa hàng từ các tỉnh khác về phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, cần liên kết mạnh hơn giữa thương mại, công nghiệp, du lịch, văn hóa. Ví dụ, Tam Đảo là điểm du lịch lớn của tỉnh song vẫn thiếu các điểm dừng chân để du khách có thể dừng lại mua hàng hóa
Đồng thời, cần tận dụng thế mạnh của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ trong xây dựng các mô hình liên kết kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là giải pháp để liên kết thu mua, tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân.
Thêm nữa, cần xây dựng tốt hơn nữa khối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp nhỏ với nhau để tăng năng lực sản xuất kinh doanh.
Bà Chu Thị Thu Hương – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường đề nghị địa phương nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
7 giải pháp để hàng Việt tăng sự hiện diện tại địa phương
Khẳng định Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự quyết liệt chỉ đạo và gương mẫu của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc trong việc nghiêm túc triển khai Cuộc vận động. Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã ban hành các văn bản, từ Kế hoạch, hướng dẫn cụ thể các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở.
Bên cạnh đó, tỉnh đã rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo cuộc vận động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp tỉnh (Quyết định số 289 - QĐ/TU ngày 10/3/2021 của tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh). Thực hiện nghiêm túc việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.
“Tỉnh đã chủ động triển khai Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, có tính hấp dẫn, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là chương trình cà phê doanh nhân vào chiều thứ 6. Điểm quan trọng nhất là giúp doanh nghiệp ngồi lại với nhau. Đây là điều mà tỉnh Vĩnh Phúc đã làm được” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận.
Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã chủ động ban hành Kế hoạch số 118/KH-BCĐ, ngày 29 tháng 7 năm 2021 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch là cơ sở để các đơn vị tại địa phương thực hiện tốt các hoạt động như ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến công, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tổ chức được nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các hội chợ nông nghiệp, các triển lãm giới thiệu quảng bá về chất lượng hàng Việt; bảo đảm việc thực hiện Cuộc vận động đạt kết quả.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đồng thời tổ chức được nhiều hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động: như triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19; Vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các đợt bán hàng Việt phục vụ người tiêu dùng; Tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm tăng khả năng cạnh tranh, phát triển hệ thống phân phối; Tổ chức xây dựng 2 điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trong năm 2022…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ rõ, với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực, cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Đồng thời, vẫn còn hiện tượng tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam làm ăn chân chính. Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận thương mại đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn tái diễn trở lại. Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 làm đẩy mạnh sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, nhưng các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử chưa được kiểm soát một cách hiệu quả.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ sản xuất hàng hóa có chất lượng ngày càng nâng cao, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam |
Vì vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động theo tinh thần của Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị, Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư, Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 28/CT-TTg, Quyết định 386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục rà soát ban hành các văn bản hướng dẫn, các chương trình, kế hoạch, tuyên truyền về Cuộc vận động theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư;
Thứ ba, đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ sản xuất hàng hóa có chất lượng ngày càng nâng cao, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động;
Thứ tư, chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng làm giả nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam chân chính.
Thứ năm, tỉnh cần quan tâm xây dựng kế hoạch tổng thể tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đặc trưng có thế mạnh trên địa bàn; tăng cường công tác hỗ trợ các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Thứ sáu, tiếp tục quan tâm đời sống người dân, hàng hóa Tết trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khi dịp Tết Nguyên đán đang sắp đến; lồng ghép các hoạt động kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, bình ổn thị trường, phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Cuối cùng, cần có chính sách tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong triển khai Cuộc vận động.