Dẫn đầu cả nước trong thu hút dòng vốn ngoại
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), luỹ kế đến tháng 3/2023, Việt Nam thu hút được 36.881 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 444,069 tỷ USD đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút được nhiều FDI nhất với 11.598 dự án, có tổng vốn đăng ký lên tới 56,407 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút được nhiều FDI nhất với 11.598 dự án |
Với kết quả này, TP. Hồ Chí Minh “bỏ xa” Bình Dương và Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 trong thu hút FDI với lần lượt là 4.087 dự án với 39,693 tỷ USD và 7.070 dự án với 38,922 tỷ USD.
3 tháng đầu năm 2023, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam có dấu hiệu sụt giảm, chỉ đạt hơn 61% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được 216 dự án FDI đăng ký mới, 37 dự án FDI điều chỉnh vốn và 468 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu đang chững lại.
Đáng chú ý hơn, không chỉ được đánh giá cao về số lượng các dự án và lượng vốn đầu tư, các dự án FDI đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh đa số là dự án của những tập đoàn toàn cầu, có chất lượng tốt, tạo được sức lan toả mạnh mẽ đến khu vực doanh nghiệp trong nước và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, quốc gia.
Điển hình trong số đó phải kể đến những dự án của những tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn TP. Hồ Chí Minh làm điểm dừng chân, như: Trung tâm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của Tập đoàn Samsung; Tập đoàn GS E&C; Tập đoàn Kumho; Lotte, Emart, CJ (Hàn Quốc); First Solar, Intel (Hoa Kỳ); Nedec Sankyo, Sojitz, Aeon, Family Mart (Nhật Bản); Mega Mart, Central Group, C.P, Siam (Thái Lan); Mercedes, Bosch (Đức)…
Nói về những lý do TP. Hồ Chí Minh tạo được sức hấp dẫn đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài, đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từng đánh giá, TP. Hồ Chí Minh có lợi thế là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, có vị trí chiến lược thuận lợi, có nguồn lao động dồi dào và trình độ chuyên môn cao. Đây cũng là trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước và là đô thị đa văn hoá, thích hợp cho người nước ngoài làm việc, sinh sống và du lịch…
Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả mà một số nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có đại diện Tập đoàn Intel từng chia sẻ, đó là các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền thành phố, ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh Covid-19, đó là “điểm cộng” giúp các nhà đầu tư yên tâm lựa chọn TP. Hồ Chí Minh để đặt dự án.
Thành phố Hồ Chí Minh đang có định hướng phát triển các ngành công nghiệp chiến lược, các khâu, công đoạn trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh |
Bước đi mới cho chặng đường mới
Có thể nói, sau gần 50 năm thống nhất đất nước (1975-2023) và gần 40 năm đổi mới từ năm 1986, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được bước tiến dài trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thu hút FDI được đánh giá là “điểm nhấn” quan trọng trong bức tranh kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thay đổi. Cụ thể, các ưu đãi về thuế nhằm thu hút FDI theo quy định hiện hành sẽ không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu thực thi vào năm 2024, cùng với đó, tỷ lệ lấp đầy của Khu Công nghệ cao, các Khu chế xuất - Khu Công nghiệp trên địa bàn luôn ở mức cao, quỹ đất để thu hút các dự án phục vụ cho sản xuất công nghiệp không còn nhiều.
Trong bối cảnh đó, nhằm chủ động tạo lợi thế thu hút dòng vốn ngoại, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp FDI diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã đưa ra đề xuất với Chính phủ có những giải pháp căn cơ trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, đảm bảo các quy định có tính ổn định, tránh tác động không cần thiết tới quá trình thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ ngành đẩy mạnh thực hiện các công việc có liên quan đến áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam; có các phương án, giải pháp về các thay đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ ủng hộ, chấp thuận trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; trong đó xem xét cho Thành phố thẩm quyền áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư cho nhà đầu tư công nghệ cao, nhà đầu tư chiến lược như: Được hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố; Được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động R&D bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí R&D thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán…
Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, để TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung thực sự là điểm đến không thể bỏ qua của nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang có định hướng phát triển các ngành công nghiệp chiến lược, các khâu, công đoạn trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung thu hút công nghệ cao ở các công đoạn có giá trị gia tăng cao ở các lĩnh vực nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghiệp sinh học và hàng không dân dụng. Đồng thời, xác định một cách có chủ đích các quốc gia, tập đoàn chiến lược sẽ tập trung tổ chức xúc tiến đầu tư trong năm 2023 và thời gian tới gắn với các ngành công nghiệp, công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh và gắn với trọng tâm phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn tới là phát triển doanh nghiệp trong nước.
Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc nâng cao năng lực giao thông, liên kết vùng, cần xác định chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở việc thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Thành phố mà là thu hút các chuỗi cung ứng vào vùng, khu vực trong đó Thành phố sẽ là nơi đặt những phần quan trọng của chuỗi cung ứng như: Trụ sở chính, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, trung tâm kết nối, hỗ trợ … và hoạt động sản xuất trực tiếp thực hiện tại các địa phương lân cận.
Tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế có liên quan công nghệ cao, đặc biệt là ngành vi mạch điện tử, công nghệ thông tin với thông điệp quảng bá nhận diện “Việt Nam là Trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới”.
Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 4,33 tỷ USD vốn FDI, trong đó hàm lượng dự án yếu tố công nghệ cao đạt 2,8 tỷ USD chiếm 65,78% tổng vốn đầu tư. |